Tìm hiểu về Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu - Sales Logistics
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu (Sales Logistics) là vị trí có nhu cầu tuyển dụng cao và cơ hội phát triển mạnh mẽ hàng đầu hiện nay. Trong bài viết này, TopCV sẽ chia sẻ với bạn những kiến thức cơ bản về nhân viên Sales Logistics, giúp những bạn có ý định theo đuổi nghề này có được khởi đầu thuận lợi hơn.
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu (Sales Logistics) là gì?
Sales Logistics - Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu là người tiếp thị dịch vụ logistic của doanh nghiệp, bao gồm kho bãi, vận chuyển, khai báo hải quan, v.vv.. tới những khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước.
Nhìn chung, công việc của một nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu tương tự như nhân viên kinh doanh thuộc các nhóm ngành khác. Tuy nhiên, yêu cầu kỹ năng và chuyên môn đối với Sales Logistics cao hơn do môi trường làm việc mang tính quốc tế hóa. Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của ngành Logistics, nhu cầu tuyển dụng Sales Logistics luôn ở mức cực cao, mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho những người theo học Logistics.
>>> Xem thêm: Nhân viên xuất nhập khẩu là gì? Công việc ra sao?
Các bộ phận Sales Logistics
Sales Logistics được chia làm 4 bộ phận:
Sales FCL - Full Container Load: Có nhiệm vụ bán dịch vụ cho các khách hàng cho nhu cầu thuê nguyên một container (cont) để vận chuyển hàng hóa của mình mà không ghép chung với hàng hóa của các bên khác.
Sales LCL - Less than Container Load: Có nhiệm vụ gom đơn hàng lẻ của nhiều khách hàng khác nhau cho đến khi chất vừa một cont thì tiến hành thủ tục vận chuyển.
Sales Overseas: Hay còn gọi là Sales Agent, có nhiệm vụ chào bán dịch vụ logistics của công ty mình đến các công ty logistics ở các nước khác, với mục đích thuyết phục họ nhận công ty của mình làm agent chuyên giúp họ xử lý các lô hàng đến/đi khỏi Việt Nam.
Sales Logistics Staff: Chủ yếu làm nhiệm vụ kinh doanh cước vận tải và các dịch vụ bổ sung khác, tương tự với vị trí Sales Freight Forwarder - người trung gian tiếp nhận hàng hóa từ chủ hàng.
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu làm gì?
Nhân viên Sales Logistics làm gì? Về cơ bản, nhân viên Sales Logistics thực hiện những nhiệm vụ cơ bản bao gồm:
Tìm kiếm khách hàng: Đối với ngành xuất nhập khẩu, phân khúc khách hàng rất đa dạng với nguồn khách có cả trong và ngoài nước. Sales Logistics sẽ tìm kiếm khách hàng qua nhiều kênh như quảng cáo Facebook, website quảng bá dịch vụ, mạng xã hội, v.vv..
Giữ liên lạc, tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc khách hàng: Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ triển khai tiếp thị sản phẩm, dịch vụ với khách hàng, trực tiếp đàm phán giá và ký kết hợp đồng với khách hàng. Sales xuất nhập khẩu duy trì và phát triển các mối quan hệ với khách hàng, bao gồm tiếp nhận phản hồi của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ, hỗ trợ khách hàng trải nghiệm sản phẩm mới, triển khai các dịch vụ hậu mãi, bảo hành sau quá trình sử dụng dịch vụ, v.vv..
Hỗ trợ nhóm hậu cần: Sales Logistics sẽ phối hợp với các bộ phận khác nhằm đảm bảo đơn hàng phù hợp với yêu cầu của khách hàng và được xuất/nhập khẩu đúng hạn, bảo đảm tất cả lô hàng đến và đi được nguyên vẹn.
Hoàn tất các thủ tục xuất nhập khẩu: Sales Logistics thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện các thủ tục cần có như hợp đồng mua bán, chứng từ vận chuyển, các thủ tục giao nhận, v.vv..
Làm việc với các nhà vận chuyển: Sales xuất nhập khẩu cần làm việc với các nhà vận chuyển để quản lý thông tin vận chuyển và hỗ trợ thủ tục hoàn hàng nếu cần.
>>> Xem thêm:
Tổng quan về công việc ngành Logistics
Telesales logistics là gì? Cách tạo kịch bản telesales logistics
Tuy nhiên, ở mỗi bộ phận, nhân viên Sales Logistics sẽ đảm nhiệm những công việc khác nhau:
Mô tả công việc của Sales FCL
Ở vị trí là người gửi hàng, nhân viên Sales FCL đảm nhiệm các công việc:
Xin giá cước từ các hãng vận chuyển
Thuê hãng vận chuyển, cung cấp mọi thông tin cho hãng tàu để làm vận đơn
Thuê container, đem về kho và làm nhiệm vụ đóng gói hàng hóa
Gán nhãn mác và ký hiệu lên hàng hóa để bên nhận có thể nhận biết
Theo dõi quá trình chuyển hàng vào container, đảm bảo hàng hóa được cố định chắc chắn, không xê dịch để đến tay người nhận được nguyên vẹn
Thực hiện các thủ tục hải quan và thanh toán các chi phí cần thiết như nâng hạ container, bốc dỡ hàng hóa, phí phát sinh, v.vv..
Theo dõi quá trình vận chuyển hàng hóa, bảo đảm mọi hoạt động diễn ra thuận lợi cho đến khi hoàn tất đơn hàng
Nếu là người nhận hàng, Sales FCL sẽ thực hiện các công việc:
Chuẩn bị hồ sơ, chứng từ đúng tiêu chuẩn để mang đến hãng tàu, đổi lệnh và nhận hàng khi hàng cập bến
Thực hiện thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa
Thanh toán các chi phí nhập hàng
Mô tả công việc của Sales LCL
Đóng vai trò người gửi hàng, nhân viên Sales LCL thực hiện các công việc:
Xin báo giá từ hãng vận chuyển và thuê hãng vận chuyển
Gửi vận đơn chi tiết cho hãng vận chuyển
Thuê container, đem về kho hoặc bãi (cảng) để đóng hàng
Niêm phong hàng hóa của từng khách hàng
Giám sát quá trình chuyển hàng vào container để hàng hóa không bị dịch chuyển
Xử lý các thủ tục hải quan và thanh toán chi phí
Giám sát quá trình hàng đi cho đến khi hàng đến tay người nhận
Nếu là người nhận hàng, Sales LCL có trách nhiệm:
Chuẩn bị chứng từ đúng tiêu chuẩn để đổi lệnh tại hãng tàu khi hàng cập bến
Hoàn tất các thủ tục hải quan và thông quan lô hàng
Thanh toán các chi phí tại cảng
Mô tả công việc của Sales Overseas
Công việc của nhân viên Sales Overseas bao gồm:
Tìm kiếm, tạo kết nối và liên lạc với các công ty xuất nhập khẩu trên toàn thế giới để tạo cơ hội cung cấp dịch vụ Logistics/Freight Forwarding tại Việt Nam.
Báo giá các dịch vụ cho khách hàng, theo sát các yêu cầu của khách hàng để tạo ra đơn hàng cho công ty
Thỏa thuận công nợ với khách hàng trước khi cung cấp dịch vụ
Liên hệ với nhà vận chuyển để xử lý đơn hàng theo yêu cầu của khách hàng
Giám sát hành trình vận chuyển hàng hóa
Kết hợp với các bộ phận khác để theo sát lô hàng, đảm bảo xử lý kịp thời các phát sinh, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng nếu có
Hỗ trợ các nhân viên Sales Logistics xử lý vấn đề về chi phí ở nước ngoài
Phát triển hệ thống đại lý trong và ngoài nước để mở rộng cơ hội ký hợp đồng mới
Mô tả công việc của Sales Logistics Staff
Sales Logistics Staff làm người đại diện bán hàng của công ty xuất nhập khẩu, thực hiện các công việc như:
Xác định khách hàng tiềm năng hoặc nhận thông tin khách hàng từ bộ phận Marketing của công ty
Gặp mặt trực tiếp, gặp gỡ trực tuyến hoặc gọi điện để giới thiệu và tư vấn dịch vụ phù hợp với nhu cầu của khách hàng
Đàm phán, thương lượng giá cước với khách hàng nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho công ty
Ký kết hợp đồng với khách hàng
Duy trì và nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng
Nuôi dưỡng mối quan hệ tốt đẹp với các hãng vận chuyển và cảng
Quy trình làm việc của nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
Để thành công chốt một đơn hàng và ký kết hợp đồng, nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu cần thực hiện quy trình làm việc với 10 bước như sau:
Bước 1: Xác định lợi thế cạnh tranh
Mỗi công ty xuất nhập khẩu có một thế mạnh riêng, ví dụ: chuyên tuyến châu Á (dễ đàm phán giá), chuyên tuyến Âu-Mỹ-Úc (đơn hàng lớn), chuyên hàng khô, chuyên hàng đông lạnh, v.vv.. Nhân viên Sales Logistics cần hiểu rõ lợi thế của công ty mình để xác định được tệp khách hàng tiềm năng nên nhắm tới.
Bước 2: Xác định khách hàng mục tiêu
Khách hàng mục tiêu đối với mỗi bộ phận Sales Logistics bao gồm:
Sales FCL: Chủ yếu là các công ty lớn, có nhu cầu gửi đơn hàng lớn, không chung container với các bên khác như gỗ, gạo, thủy hải sản, v.vv..
Sales LCL: Các công ty nhỏ có nhu cầu gửi đơn hàng nhỏ, khách hàng cá nhân có hàng gửi đi/nhập về từ nước ngoài và các Sales FCL ở nước ngoài.
Sales Overseas: Các công ty Forwarder - công ty trung gian tiếp nhận hàng hóa của chủ hàng ở nước ngoài.
Sales Logistics Staff: Chủ yếu sales cho các Forwarder, công ty kinh doanh cước vận tải biển - NVOCC, người gom hàng - Consolidator, nhà vận chuyển, đôi khi là cả chủ hàng.
Bước 3: Tìm kiếm khách hàng
Sau khi xác định được khách hàng tiềm năng và khách hàng mục tiêu, Sales Logistics có thể tìm kiếm họ qua các kênh mạng xã hội, website, quảng cáo, v.vv..
Trong trường hợp công ty chưa có thế mạnh cụ thể hoặc có thế mạnh về mọi mặt thì nhân viên Sales xuất nhập khẩu sẽ tìm kiếm khách hàng theo mặt hàng và mùa vụ thay vì giới hạn đối tượng người mua.
Bước 4: Xác định thông tin khách hàng
Khi đã tiếp cận được khách hàng, Sales Logistics sẽ khéo léo trò chuyện để khai thác thông tin càng nhiều càng tốt. Đây là cơ sở để Sales Logistics phân loại khách hàng cho dễ chăm sóc. Các thông tin cơ bản cần khai thác bao gồm:
Tính chất hàng hóa và lượng hàng hóa để tính số cont và chọn hình thức vận chuyển.
Khách hàng đang muốn chất lượng dịch vụ hay cần tối ưu giá cước.
Địa chỉ cảng xuất/nhập hàng.
Thời gian vận chuyển mà khách hàng mong muốn.
Các yêu cầu đặc biệt về thủ tục, giấy tờ mà khách hàng đưa ra.
Bước 5: Phân loại khách hàng
Sau khi khai thác đủ thông tin từ khách hàng, nhân viên sales xuất nhập khẩu có thể phân loại được đâu là khách hàng tiềm năng, đâu là khách hàng ít tiềm năng hơn. Qua đó, Sales Logistics sẽ tập trung vào chăm sóc các khách hàng tiềm năng để có cơ hội ký hợp đồng cao hơn.
Bước 6: Liên hệ hãng vận chuyển
Sales Logistics cần liên hệ với ít nhất 2 hãng vận chuyển để khảo giá và chọn đơn vị phù hợp với loại hàng, phương thức vận chuyển mà khách hàng mong muốn.
Bước 7: Báo giá
Khi đã có bảng giá phù hợp, nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ báo giá cho khách hàng. Nếu khách hàng cần chất lượng dịch vụ tốt, Sales Logistics có thể đôn giá cao lên để lấy thêm lời, đồng thời phải chăm sóc khách hàng thật tận tình. Nếu khách hàng chú trọng vào giá cả thì Sales Logistics nên đưa ra một cái giá mềm hơn.
Kèm theo chi phí, Sales Logistics cũng sẽ cung cấp cho khách hàng các thông tin liên quan:
Thời gian vận chuyển.
Địa điểm trung chuyển.
Lịch tàu.
Các phụ phí.
Các lưu ý đặc biệt.
Sau đó, khách hàng có thể đồng ý hoặc không đồng ý hợp tác. Nếu họ không chấp nhận, Sales Logistics cần khai thác thông tin để tìm ra nguyên nhân, từ đó thuyết phục khách hàng ký hợp đồng. Nếu khách hàng đồng ý thuê dịch vụ thì nhân viên kinh doanh Logistics sẽ tiến hành làm hợp đồng và ký kết với khách hàng.
Bước 8: Theo dõi hàng hóa
Vì là người trung gian giữa khách hàng và hãng vận chuyển, nhân viên Sales Logistics cần theo dõi cả hai phía để đảm bảo đơn hàng được vận chuyển đúng kế hoạch, không bị trễ hẹn và không có phát sinh nghiêm trọng nào.
Bước 9: Chuyển giao công việc
Sales Logistics sẽ chuyển giao công việc cho bộ phận chứng từ và bộ phận giao nhận để hoàn tất đơn hàng, đưa hàng đến đúng nơi quy định.
Bước 10: Chăm sóc khách hàng
Sau khi đã hoàn tất đơn hàng, nhân viên sales xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục chăm sóc khách hàng để tái ký hợp đồng, giữ chân khách hàng.
Cơ hội nghề nghiệp, mức lương và lộ trình thăng tiến
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu (Sales Logistics) là một trong những vị trí có cơ hội phát triển sự nghiệp rộng mở nhất hiện nay.
Cơ hội nghề nghiệp
Thị trường Sales Logistics hiện nay tạo ra rất nhiều cơ hội hấp dẫn cho người lao động:
Nhà nước đưa ra nhiều chính sách và điều luật hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng ngành: Bộ Công Thương đã trình Chính phủ phê duyệt Nghị quyết 163/NQ-CP về việc đẩy mạnh và triển khai các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ Logistics Việt Nam. Đồng thời, Bộ đã ban hành Quyết định 120/QĐ-BCT về phê duyệt nhiệm vụ và kinh phí nhằm nâng cao năng lực và dịch vụ Logistics quốc gia giai đoạn 2023-2026. Đây là điều kiện để ngành Logistics Việt Nam lấy đà phát triển trong thời gian tới.
Thị trường toàn cầu rộng mở: Nhân sự ngành Logistics có nhiều cơ hội hợp tác quốc tế hơn khi hoạt động thương mại biên giới được thúc đẩy.
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao trên cả nước: Rất nhiều công ty xuất nhập khẩu và công ty sản xuất hàng xuất khẩu đang mọc lên trên khắp cả nước. Không chỉ ở các trung tâm kinh tế lớn mà các tỉnh thành nơi có nhiều khu công nghiệp, xí nghiệp, nhà máy đều có nhu cầu tuyển dụng Sales Logistics cao nên người lao động rất dễ xin việc.
Mức thu nhập cao, có hoa hồng, không giới hạn: Nghề Sales xuất nhập khẩu mang lại lợi ích tài chính to lớn khi lương theo KPI không có giới hạn. Nhân viên chốt được càng nhiều hợp đồng thì lương càng cao.
Có cơ hội phát triển cá nhân: Nghề Sales Logistics đòi hỏi nhiều kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý vấn đề và quản lý thời gian. Đây là cơ hội để bạn phát triển bản thân không chỉ trong công việc mà cả đời sống.
Có lợi thế công nghệ: Các công ty Logistics hiện nay đều đầu tư mạnh vào công nghệ, phần mềm và công cụ để tối ưu hóa quy trình sale. Vì thế, những nhân viên Sales Logistics biết tận dụng công nghệ có thể phát huy tối đa hiệu suất.
Nếu theo đuổi nghề Sales Logistics ngay từ bây giờ, bạn sẽ nắm bắt được rất nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp.
Mức lương của nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
Nhân viên kinh doanh logistics lương bao nhiêu? Tương tự như nhân viên kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác, Sales xuất nhập khẩu có mức thu nhập khá cao. Bên cạnh lương cứng, thu nhập chủ yếu của ngành nghề này sẽ đến từ hoa hồng khi ký được hợp đồng và thưởng, phụ cấp khi đạt KPI.
Theo Báo cáo Thị trường tuyển dụng 2022 & Nhu cầu tuyển dụng 2023 của TopCV, mức lương trung bình của vị trí Sales xuất nhập khẩu được phân cấp theo số năm kinh nghiệm như sau:
Từ 1-3 năm kinh nghiệm: 10-15 triệu đồng/tháng
Trên 3 năm kinh nghiệm: 15-20 triệu đồng/tháng
Trên 5 năm kinh nghiệm: 25-40 triệu đồng/tháng
Đây được xem là mức thu nhập hết sức cạnh tranh so với nhiều ngành nghề khác trong thị trường lao động.
Lộ trình thăng tiến của nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
Để thành công trên hành trình kinh doanh xuất nhập khẩu, bạn cần trải qua 5 cấp bậc như sau:
Logistics Sales Trainee: Đây là vị trí thực tập/học việc sales xuất nhập khẩu, chủ yếu làm quen với việc tìm kiếm khách hàng, học cách tư vấn và thuyết phục khách hàng từ người quản lý.
Logistics Sales Executive: Sau 1 năm làm Trainee, bạn có thể trở thành nhân viên sales xuất nhập khẩu chính thức, được tham gia trực tiếp vào các cuộc đàm phán, thương lượng với khách hàng và thành công ký kết hợp đồng.
Logistics Sales Supervisor: Sau 2-3 năm làm nhân viên, bạn có thể thăng tiến lên vị trí giám sát (hay còn gọi là leader/trưởng nhóm), có nhiệm vụ hỗ trợ và quản lý công việc của nhóm nhân viên cấp dưới. Ở vị trí này, bạn vẫn sẽ đảm nhiệm việc kinh doanh để gia tăng lợi nhuận cho công ty, nhưng chủ yếu chăm sóc các khách hàng lớn. Quan trọng hơn, bạn sẽ là người điều phối thực thi các chiến lược mà quản lý Sales Logistics đưa xuống.
Logistics Sales Manager: Sau 3-5 năm làm trưởng nhóm, bạn có thể thăng tiến lên vị trí quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu. Nhiệm vụ chính của bạn là hoạch định chiến lược cho cả phòng kinh doanh và chịu trách nhiệm về doanh thu.
Logistics Sales Director: Giám đốc kinh doanh là đỉnh cao của nghề Sales Logistics, yêu cầu bạn phải có nhiều năm kinh nghiệm, nắm vững nghiệp vụ và trên hết là phải có kỹ năng lãnh đạo, quản lý tài ba. Bạn sẽ là người đưa ra mọi quyết định cho phòng Sales Logistics, kiến tạo những chiến lược và điều phối mọi hoạt động, tác động trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của công ty.
Qua mỗi cấp bậc, mức thu nhập của bạn sẽ được tăng lên một cách ngoạn mục. Bạn sẽ có nhiều mối quan hệ trong ngành và từ đó có được nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp hơn nữa.
Những khó khăn của nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu
Mặc dù có nhiều cơ hội hấp dẫn, bạn vẫn sẽ phải đối mặt với rất nhiều thử thách nếu quyết định theo đuổi nghề Sales Logistics.
Lượng kiến thức cần học quá lớn
Khối lượng kiến thức khổng lồ của ngành Logistics có thể gây ra áp lực lớn dành cho bạn trong những ngày đầu bước chân vào nghề. Không những thế, thực tế công việc cũng không giống hoàn toàn với lý thuyết mà sẽ có rất nhiều phát sinh mà bạn không lường trước được.
Khối lượng công việc lớn
Nhân viên sales xuất nhập khẩu phải thực hiện rất nhiều đầu việc trong ngày, đặc biệt là khi mùa sales đến và số lượng khách hàng tăng đột biến. Trên hết, nhân viên Sales Logistics phải làm việc với rất nhiều bên, lịch trình chồng chéo và dày đặc nên khó tránh khỏi tình trạng quá tải.
Phải chịu áp lực doanh số
Doanh số dường như là áp lực lớn nhất dành cho các nhân viên Sales Logistics. Đặc biệt là với các bạn mới ra trường, chưa có kinh nghiệm tìm kiếm và tiếp cận đến khách hàng thì thật khó để đạt được giá trị hợp đồng như kỳ vọng. Nếu không có đủ kiên trì và nỗ lực, bạn rất có thể muốn từ bỏ công việc này.
Phải có năng lực giải quyết vấn đề chính xác và nhanh nhạy
Logistics là ngành chứa đựng nhiều biến số khó lường nhất. Nếu không có tư duy nhanh nhạy, kỹ năng xử lý vấn đề khéo léo và khả năng update bản thân thì rất khó bắt kịp được sự thay đổi liên tục của nghề này.
Khả năng phát triển còn phụ thuộc vào tiềm lực của công ty
Mặc dù ngành Logistics tổng thể có xu hướng phát triển mạnh mẽ nhưng chính điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa nhiều doanh nghiệp. Nếu công ty của bạn chưa có điểm nào mạnh hơn đối thủ hay chưa tạo được nhận diện thương hiệu thì bạn cũng khó chiếm được lòng tin tưởng của khách hàng.
Ai phù hợp trở thành nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu?
Mặc dù gặp nhiều trở ngại là thế, nhưng nếu bạn giữ vững được nhiệt huyết và khát khao chinh phục nghề sales thì hoàn toàn có thể tiến đến thành công. Nếu có những tố chất sau đây, chắc chắn rằng bạn là ứng viên phù hợp nhất cho vị trí Sales Logistics.
Chịu được áp lực
Logistics sẽ không ngừng chuyển động để đưa sản phẩm đến đích cuối cùng vào đúng thời điểm. Điều này tạo ra một thị trường có nhịp độ nhanh và sức cạnh tranh cao. Theo đó là sự áp lực cực lớn đòi hỏi bạn phải luôn nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi trở ngại.
Biết cách dẫn dắt các cuộc trò chuyện
Khả năng giao tiếp và thuyết phục là một trong những yếu tố quan trọng nhất của một Sales Logistics chuyên nghiệp. Biết cách dẫn dắt và duy trì cuộc trò chuyện với khách hàng sẽ mang đến cho bạn khả năng chốt đơn cao hơn và cơ hội phát triển sự nghiệp hấp dẫn hơn.
Thích tìm tòi
Bản chất tò mò sẽ thôi thúc bạn đặt ra những câu hỏi sâu sắc dành cho khách hàng, giúp bạn khám phá ra những nhu cầu sâu xa nhất của họ và khởi đầu một mối quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững.
Biết cách ứng dụng công nghệ trong công việc
Nếu biết cách tận dụng công nghệ trong công việc, bạn sẽ không phải sa lầy vào các quy trình thủ công rườm rà. Khi các giải pháp công nghệ tiếp tục được mở rộng và bạn là người đón đầu thông minh thì bạn sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng tồn đọng của chuỗi cung ứng hiện nay.
Có tư duy phản biện
Yếu tố làm nên thành công cho Sales Logistics chính là tư duy phản biện để vượt qua mọi trở ngại. Với sự linh hoạt, nhanh nhạy và tinh thần luôn sẵn sàng, bạn có thể giải quyết mọi vấn đề theo cách sáng tạo nhất và đạt được mục tiêu sự nghiệp như ý.
Nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu cần gì để thành công trong nghề?
Nhân viên Sales Logistics cần gì để thành công trong nghề? Khối lượng công việc, mức độ phức tạp và áp lực doanh số của vị trí nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu luôn ở mức cao. Vậy bạn cần chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng nào để có thể làm việc ở vị trí này?
Về kiến thức và kinh nghiệm
Ứng viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ngành xuất nhập khẩu hoặc các ngành liên quan khác như thương mại, kinh tế, marketing, quản trị kinh doanh.
Thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Am hiểu cách sử dụng các phần mềm soạn thảo văn bản như Word, Excel và các phần mềm hỗ trợ công việc khác.
Sử dụng tốt các phần mềm làm việc từ xa.
Ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm làm việc trong ngành xuất nhập khẩu hoặc lĩnh vực tương tự. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tuyển dụng và đào tạo nhân viên Sales Logistics không yêu cầu kinh nghiệm.
>>> Xem thêm: Nên học xuất nhập khẩu ở đâu tốt nhất hiện nay?
Về kỹ năng
Giao tiếp tốt: Sales Logistics phải tạo được thiện cảm cho mọi người trong mọi cuộc trò chuyện.
Đàm phán, thương lượng và thuyết trình tốt: Kỹ năng này cần thiết khi cho quá trình làm việc với khách hàng để đi đến ký kết hợp đồng.
Khả năng chịu áp lực cao: Sales Logistics phải tiếp xúc với nhiều khách hàng và bộ phận liên quan, có khối lượng công việc lớn và KPI luôn đè nặng nên rất cần khả năng chịu áp lực từ nhiều phía để hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Kỹ năng tự tạo động lực: Tinh thần luôn sẵn sàng lăn xả vào công việc sẽ giữ cho bạn nguồn năng lượng để theo đuổi nghề Sales Logistics được lâu dài.
Trí tuệ cảm xúc: Sự kiên nhẫn và đồng cảm có thể giúp nhân viên Sales Logistics xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp và giá trị với khách hàng và công ty của mình.
Tư duy chiến lược: Phân tích tình huống, lập kế hoạch, phản ứng nhanh nhạy và hành động có chiến lược là một kỹ năng thiết yếu đối với các chuyên gia Sales Logistics.
Sự sáng tạo: Kỹ năng giải quyết vấn đề với các giải pháp độc đáo, sáng tạo sẽ giúp nhân viên sales xuất nhập khẩu đem lại sự hài lòng cho khách hàng.
Kỹ năng quản lý thời gian: Khả năng sắp xếp các đầu việc, phân công công việc có trọng tâm sẽ giúp bạn quản lý khách hàng một cách hiệu quả hơn.
Kỹ năng làm việc nhóm: Sales Logistics cần cộng tác với rất nhiều người để hoàn thành mục tiêu chung đó là đưa hàng hóa đến tận tay người nhận một cách nguyên vẹn và đúng hạn.
Trình độ máy tính/công nghệ: Khả năng sử dụng các công nghệ khác nhau và hiểu cách chúng vận hành sẽ giúp bạn dễ dàng làm quen với các nghiệp vụ Logistics khác nhau tại nơi làm việc.
Bật mí kinh nghiệm Sales Logistics cho người mới
Nếu bạn đã quyết tâm dấn thân vào nghề Sales Logistics, hãy ghi nhớ những kinh nghiệm sau để có được khởi đầu thuận lợi:
Hiểu thế mạnh của công ty
Đầu tiên, bạn cần xác định được những điểm mạnh của công ty mình để khoanh vùng đối tượng khách hàng và thị trường mà bạn cần nhắm đến.
Xác định dịch vụ cốt lõi của công ty
Tiếp đến, bạn cần nắm rõ các dịch vụ mũi nhọn của công ty mình để xây dựng chiến lược chào bán dịch vụ sao cho phù hợp nhất và dễ đem lại doanh thu nhất.
Khoanh vùng thị trường hoạt động
Xác định rõ thị trường mà bạn có thể thu lời từ đó sẽ giúp bạn xây dựng được kế hoạch sales và quản lý khách hàng hiệu quả.
Tìm kiếm khách hàng theo mục tiêu, mùa vụ và mặt hàng
Sau khi đã định vị được đâu là thị trường tiềm năng, bạn hãy tiến hành tìm kiếm khách hàng theo các hạng mục như sau:
Khách hàng theo mục tiêu: Khách hàng của bạn phải có nhu cầu sử dụng dịch vụ cốt lõi của công ty bạn. Đồng thời, điểm mạnh của công ty bạn phải thỏa mãn được mong muốn của khách hàng đó. Đó là khi bạn có thể tối ưu hóa được cơ hội kinh doanh.
Khách hàng theo mùa vụ: Hãy theo dõi xu hướng hàng hóa trên thị trường và nắm bắt xem ngành hàng nào đang hot. Từ đó, bạn có thể tìm ra khách hàng có nhu cầu nhập - xuất mặt hàng đó.
Khách hàng theo mặt hàng: Bạn có thể tìm kiếm khách hàng có nhu cầu nhập - xuất các mặt hàng thuộc thế mạnh của công ty bạn.
Để tối ưu hóa cơ hội kinh doanh, bạn cần tìm kiếm khách hàng trên nhiều kênh cùng lúc. Ví dụ: Website B2B, web danh bạ công ty, mạng xã hội, hội chợ, triển lãm, v.vv..
Tương tác với khách hàng một cách khéo léo
Cuối cùng, để gia tăng tỷ lệ chốt đơn thành công, Sales Logistics cần áp dụng các cách tương tác với khách hàng như sau:
Thể hiện sự chân thành: Hãy cho khách hàng thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến nhu cầu của khách hàng và muốn giúp họ giải quyết các vấn đề trở ngại.
Tạo cảm giác cấp bách: Hãy thông báo cho khách hàng về thời hạn giảm giá dịch vụ, các chương trình ưu đãi hấp dẫn và thuyết phục họ nên chọn lựa dịch vụ của công ty bạn ngay lúc này. Chỉ một chút cảm giác cấp bách với lợi ích rõ ràng sẽ thôi thúc khách hàng mua dịch vụ.
Cho thấy bạn hiểu rõ về các đối thủ cạnh tranh: Bạn sẽ chiếm được lòng tin tưởng của khách hàng nếu thể hiện rằng bản thân nắm rõ mọi thông tin về các đơn vị đối thủ và sẵn sàng đưa ra những giải pháp tối ưu hơn so với đối thủ.
Vui vẻ kể cả khi bị từ chối: Bị khách hàng từ chối khi sales không phải là điều hiếm gặp. Điều quan trọng là bạn giữ được phong thái chuyên nghiệp, văn minh để khách hàng có được thiện cảm với công ty của bạn.
Suy nghĩ kỹ trước khi nói: Hãy chỉ tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của bạn. Nếu có vấn đề nào chưa hiểu rõ, hãy tìm hiểu kỹ trước khi đề cập hoặc tốt nhất là tránh nhắc đến điều đó. Đây là cách để bạn duy trì sự chuyên nghiệp trong mắt khách hàng.
Luôn đưa ra lời đề nghị bán hàng: Cho dù khách hàng có quan tâm đến dịch vụ mà bạn tư vấn hay không, hãy luôn là người đưa ra lời đề nghị hợp tác.
Tìm việc làm nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu ở đâu?
Để cọ xát với nghề và tích lũy kinh nghiệm chuyên môn, bạn có thể tìm kiếm việc làm nhân viên Sales Logistics và việc làm thực tập sinh Sales Logistics tại chuyên trang tuyển dụng TopCV. Tại đây, có rất nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng nhân sự Sales xuất nhập khẩu không yêu cầu kinh nghiệm, sẵn sàng đào tạo, cầm tay chỉ việc cho đến khi bạn thành thạo.
Để ứng tuyển vào các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên kinh doanh xuất nhập khẩu, bạn chỉ cần nhấn vào nút “Ứng tuyển” trên website, sau đó nộp hồ sơ xin việc trực tuyến và nhà tuyển dụng sẽ nhận được thông tin ngay.
Trên đây là tất tần tật những thông tin bạn cần biết về vị trí Sales Logistics. Nếu bạn muốn tìm kiếm các cơ hội việc làm ở vị trí này thì hãy nhanh chóng truy cập vào TopCV - website tuyển dụng hàng đầu Việt Nam hiện nay. Với hàng ngàn tin tuyển dụng được đăng tải mỗi ngày, chắc chắn bạn sẽ lựa chọn được việc làm phù hợp nhất cho bản thân.