10/08/1945: Nhật Bản đồng ý đầu hàng vô điều kiện

10/08/1945: Nhật Bản đồng ý đầu hàng vô điều kiện

Nguồn: Japan accepts Potsdam terms, agrees to unconditional surrender, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1945, chỉ một ngày sau vụ ném bom Nagasaki, Nhật Bản đã chấp nhận các điều khoản đầu hàng vô điều kiện của Hội nghị Potsdam, và Tổng thống Harry S. Truman đã ra lệnh ngừng ném bom nguyên tử.

Nhật hoàng Hirohito, người không theo sát những quyết định hàng ngày về việc theo đuổi chiến tranh và luôn thông qua các quyết định của Hội đồng Chiến tranh - bao gồm cả quyết định không kích Trân Châu Cảng, cuối cùng đã buộc phải làm nhiều hơn thế. Theo kiến nghị của hai thành viên nội các, hoàng đế đã triệu tập và chủ trì một cuộc họp đặc biệt của Hội đồng Chiến tranh, yêu cầu họ xem xét chấp nhận các điều khoản của Hội nghị Potsdam, nghĩa là đầu hàng vô điều kiện.

“Rõ ràng là đất nước chúng ta không thể tiến hành chiến tranh được nữa, và khả năng bảo vệ bờ biển của chúng ta đang lung lay.” Hội đồng đã bị chia rẽ về các điều khoản đầu hàng; một nửa số thành viên muốn được đảm bảo rằng Nhật hoàng sẽ duy trì ngôi vị và vai trò truyền thống của ông sau chiến tranh trước khi cân nhắc việc đầu hàng. Tuy nhiên, trước tình hình Hiroshima và Nagasaki lần lượt bị đánh bom vào ngày 06/08 và 09/08, cùng việc Liên Xô đưa quân vào Mãn Châu cùng lời thỉnh cầu của Nhật hoàng rằng Hội đồng phải “chấp nhận điều không thể chấp nhận được”, quyết định đầu hàng của Nhật Bản đã được thông qua.

Tokyo đã gửi một bức điện tới các đại sứ của họ tại Thụy Sĩ và Thụy Điển, sau đó nó được chuyển cho các nước Đồng minh. Bức điện đã chính thức chấp nhận Tuyên bố Potsdam nhưng bao gồm yêu cầu rằng: “Trong Tuyên bố, không có bất cứ yêu cầu nào làm phương hại đến các đặc quyền của Hoàng đế với tư cách là người toàn quyền cai trị.”

Khi bức điện đến Washington, Tổng thống Truman đã ra lệnh ngừng ném bom nguyên từ vì không muốn gây thêm đau thương cho người Nhật, đặc biệt là trẻ em. Ông cũng muốn biết liệu điều kiện về “Hoàng đế” có phải là một yếu tố khiến không thể thông qua thỏa thuận hay không. Các cuộc đàm phán giữa Washington và Tokyo đã diễn ra sau đó. Trong khi ấy, giao tranh dữ dội giữa Nhật Bản và Liên Xô tiếp diễn ở Mãn Châu.

Ngày tàn của phát xít Nhật (P1)

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/viec-nhat-ban-dau-hang-khong-dieu-kien-co-y-nghia-nhu-the-nao-a41583.html