Hai quan niệm thông thường nhất là giọng Bắc của tiếng Việt có 6 thanh hoặc 8 thanh. Chúng chỉ là những cách nhìn khác nhau đã tồn tại xưa nay, liên quan đến việc giải thích tư cách âm vị học của thanh điệu.
Những quan niệm này không ảnh hưởng gì, không làm 'thêm' hay 'bớt' số lượng thanh điệu đang có trong lời nói hay trong chữ viết. Tuy nhiên, khi nhìn đến các mô hình hoạt động âm vị học của thanh điệu, hay các ứng dụng trong cuộc sống, thì quan niệm 8 thanh điệu tỏ ra đắc lực hơn quan niệm 6 thanh. Để đọc thấu đáo vấn đề (tóm tắt lại các tác giả đi trước về các giải pháp về số lượng thanh điệu, cộng thêm các chứng cứ mới của chúng tôi), mời độc giả đọc cuốn "Thanh điệu tiếng Việt - một phân tích mới" của A. H. Pham, Khai Tâm và Dân Trí in ấn năm 2023. Đấy là bản dịch cuốn "Vietnamese tone - a new analysis" nhà xuất bản Routledge in năm 2003 tại New York.
Bài này tóm lược giả thiết 8 thanh, đóng góp về mô hình cấu trúc của thanh điệu chúng tôi đưa ra cho quan niệm 8 thanh, và vài câu chuyện vui về một vài ứng dụng của quan niệm 8 thanh trong đời sống mà chưa ai nhắc qua, kể cả trong cuốn sách Thanh điệu in bằng tiếng Anh năm 2003.
Ở những buổi đi nói chuyện ở các trường Đại học ở Việt Nam tháng 12 vừa qua, khi hỏi "tiếng Việt có mấy thanh?", câu trả lời của cử tọa luôn luôn là "có 6 thanh". Lý do vì sao 6 thanh, câu trả lời thường là vì dựa vào chữ viết: có 5 dấu thanh trong tiếng Việt (thanh đầu tiên không đánh dấu, ví dụ ta, 5 thanh có đánh dấu: tà, tá, tạ, tả, tã). Hai thanh với dấu sắc và nặng xuất hiện với các phụ âm viết bằng -p, -t, -ch, -c (phụ âm tắc) như trong các từ tạp, tát, tạch, và tác được xem là giống như hai thanh trong tạ, tá. (Lưu ý là hai phụ âm viết bằng ch và nh như trong xích và xinh là biến thể của 2 âm vị /k/ (viết bằng c) và /ŋ/ viết bằng ng). Đây là quan niệm của giải pháp 6 thanh, cho rằng -p, -t, -c là những âm vị độc lập ở vị trí cuối âm tiết. Quan niệm 8 thanh cho rằng chúng là phẩm chất đoán được của hai thanh "thêm" vào, sắc 2 và nặng 2 (ví dụ, Cao Xuân Hạo 1998:79).
Nếu thanh điệu trong tá và tát, trong tạ và tạt là giống nhau thì việc phân bố thanh điệu trong tiếng Việt không đều đặn: các thanh ngang, huyền, hỏi, ngã chỉ xuất hiện trong âm tiết mở và các âm tiết kết thúc bằng âm vang, là các phụ âm mũi -m, -n, -nh, -ng và hai bán nguyên âm -i (y) và -u (o). Trong khi đó, hai thanh sắc và nặng có thể xuất hiện ở tất cả các loại hình âm tiết, kết thúc bằng phụ âm vang lẫn phụ âm tắc cuối, ví dụ trong các từ như tán và tát, tạn và tạt.
Giải pháp 8 thanh từ lâu đã quen thuộc với người Việt trong thơ ca truyền thống. Tám thanh điệu được chia thành hai âm vực, phù (cao) và trầm (thấp). Mỗi cặp thanh lại phân chia theo đường nét. Hai thanh bằng phẳng (bình) là ngang và huyền. Các thanh còn lại (trắc) là thượng (thanh đi xuống rồi đi lên, gồm hỏi và ngã), khứ (đi lên hoặc đi xuống, gồm sắc1 và nặng1), nhập (thanh với âm tiết kết thúc bằng phụ âm tắc, gồm sắc2 và nặng2). Giải pháp số lượng thanh điệu ảnh hưởng đến số lượng phụ âm cuối. Trong giải pháp 6 thanh thì có 6 phụ âm cuối, -p, -t, -c, -m, -n, -ng. Còn giải pháp 8 thanh thì chỉ có 3 phụ âm cuối, vì phương thức cấu âm đoán được từ thanh điệu: thanh 1 đến 6 cho ra phụ âm vang, thanh 7 và 8 cho ra phụ âm tắc. Nếu âm vực cao thì đó là sắc2, âm vực thấp thì là nặng2. Vị trí cấu âm (môi, đầu lưỡi-lợi hay mạc) đã được mặc định sẵn để biết chẳng hạn đó là máp, mát hay mác.
Phía cho rằng tiếng Việt có 8 thanh dùng chứng cớ ngữ âm cho thấy thanh nặng trong tạ và tạt phát âm không giống nhau. Không cần đo đạc máy móc vẫn có thể 'nghe thấy' người Việt từ Bắc bộ đến tận Quảng Nam (trừ Nghệ - Tĩnh - Bình Trị Thiên) phát âm khác nhau thanh 'nặng' trong các từ như tạ và tạt, sạ và sạt, lạnh và lạt. Thanh trong tạ, sạ, lạnh có chất giọng kẹt hoặc rè rè trong cổ họng. Thanh trong tạt, sạt và lạt không có, và nghe có chất giọng thở, gần với thanh huyền hơn.
Giải pháp 8 thanh còn liên quan đến việc hình thành thanh điệu cũng như hoạt động của thanh điệu trong từ láy. Về sự hình thành của thanh điệu tiếng Việt, khi một số phụ âm cuối biến mất, chúng để lại dấu vết trong thanh điệu. Chẳng hạn phụ âm cuối -h và -s khi biến mất để lại chất giọng thở trong cặp thanh sau này thành hỏi và ngã, phụ âm -x và âm tắc họng khi biến mất để lại chất giọng kẹt trong cặp thanh sau này thành sắc và nặng. Tuy nhiên không phải tất cả các thanh nói trên đều mang những chất giọng như trong giải thích của Haudricourt 1954. Các nhà ngôn ngữ sau đó tiếp tục hoàn thiện giải thuyết của ông.
Lý do quan trọng khác nữa khiến các nhà ngôn ngữ cho rằng giải pháp 8 thanh đẹp và gọn hơn 6 thanh là khi nhìn vào cách thanh điệu hoạt động trong một loại từ láy. Trong tiếng Việt, loại từ láy làm nhạt nghĩa đi, ví dụ 'nhỏ' thành 'NHO nhỏ', rất thông dụng và có tính sản sinh cao, tuân theo quy tắc là hễ từ gốc mang thanh sắc hay hỏi thì khi láy, âm tiết láy giữ lại toàn bộ nguyên âm và phụ âm và mang thanh ngang, ví dụ nóng > NONG nóng, mỏi > MOI mỏi. Trong ví dụ này, nong và moi mang thanh ngang. Khi từ gốc mang thanh nặng hay ngã thì âm tiết láy cũng lặp lại toàn bộ âm tiết, song mang thanh huyền, ví dụ lạnh > LÀNH lạnh. Thanh ngã thì lộn xộn, không theo luật này, vì có cả SE sẽ và SÈ sẽ. KHE khẽ thì thông dụng hơn là KHÈ khẽ.
Tuy nhiên, khi từ gốc kết thúc bằng phụ âm tắc -p, -t, -ch, -c thì trong âm tiết láy, các phụ âm tắc ấy phải chuyển thành phụ âm mũi có cùng vị trí, -m, -n, -ng, vì ngang và huyền không đi với âm tiết kết thúc bằng phụ âm tắc. Ví dụ mát > MAN mát chứ không phải MAT mát, ngọt > NGÒN ngọt chứ không phải NGÒT ngọt. Giải pháp 6 thanh cần 2 luật để giải thích hiện tượng đổi phụ âm tắc này: luật hài thanh để dùng ngang hay huyền trong âm tiết láy; và một luật nữa để biến các phụ âm tắc thành phụ âm mũi đồng vị. Trong khi đó, giải pháp 8 thanh chỉ cần một luật hài thanh là đủ.
Trong Pham (2023:89-122), chúng tôi cung cấp thêm chứng cớ về mặt cấu trúc nội tại mang tính tầng bậc (hierachical) của thanh điệu, và khả năng giải thích tần số xuất hiện của hai thanh sắc2 và nặng2 để tán đồng quan niệm 8 thanh. Cấu trúc tầng bậc của thanh điệu mà chúng tôi đề nghị cho phép đoán được là hai thanh sắc2 và nặng2 là các thanh có cấu trúc phức hợp nhất, mang tính đánh dấu (marked) cao nhất. Thống kê tần số xuất hiện của các thanh lấy từ công trình của Võ 1997, dẫn lại trong Pham 2023: 120. Các thanh có tần số xuất hiện theo thứ tự từ nhiều đến ít (thanh ít đánh dấu nhất đến thanh có tính đánh dấu cao nhất) là: ngang > huyền > sắc1 > nặng1 > hỏi > ngã > sắc2 > nặng2, trong đó các âm tiết mang thanh ngang xuất hiện nhiều hơn âm tiết mang thanh huyền; các âm tiết mang thanh hỏi xuất hiện nhiều hơn âm tiết mang thanh ngã. Sắc2 và nặng2 xuất hiện với tần số thấp nhất, như mô hình của chúng tôi dự đoán.
Việc theo quan niệm 6 thanh hay 8 thanh không ảnh hưởng gì đến cách chúng ta dùng ngôn ngữ hàng ngày. Nó chỉ quan trọng với các nhà nghiên cứu. Song mặt ứng dụng thực tiễn của chúng có thể thấy trong nhiều lãnh vực của đời sống. Chẳng hạn như khi trẻ thắc mắc vì sao thanh nặng trong lạ 'nói' khác thanh nặng trong lạt thì có thể giải thích đó là hai thanh khác nhau nhưng có chung một dấu thanh. Hoặc khi dạy tiếng Việt giọng Bắc như một ngoại ngữ, có thể giải thích vì sao tuy có cùng một dấu thanh, song thanh trong lạ được phát âm khác với thanh trong lạt, thanh của từ lạ có thêm chất giọng kẹt.
Làm thơ lục bát, các thi sĩ thừa hiểu tuy "nhất, tam, ngũ bất luận" theo luật bằng trắc, không ai lại muốn làm những câu thơ như "Một ngày tát nước hát hò. Mất luôn chiếc áo móc cành hoa sen...", mặc dù nghe cũng không đến nỗi trúc trắc cho lắm. Nhạc sĩ tránh dùng nhiều từ có thanh nhập ở nốt nhạc kết thúc câu hay bài. Ví dụ "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về" (Trịnh Công Sơn) thì dư âm ngân nga quấn quýt, hơn là "Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi mệt". Những kiến thức này là tự nhiên, không cần học, song ý thức về đặc trưng âm tiết liên quan đến thanh điệu khiến chúng ta giải thích được câu hỏi "vì sao" một cách dễ dàng. Các thi sĩ, nhạc sĩ không cần biết về 6 hoặc 8 thanh, với mẫn cảm tiếng mẹ đẻ, họ biết dùng các thanh ấy như thế nào để tạo hiệu quả âm thanh theo ý muốn.
Tuy nhiên, các ứng dụng quan trọng nhất của Ngữ âm và Âm vị học, ngoài việc giúp trẻ học đọc và nhận diện từ, là những phát minh trong ngành khoa học máy tính (computer science). Kiến thức về 6 thanh hay 8 thanh cho phép các kỹ sư viết các chương trình phần mềm tiếng Việt tạo ra những phát âm gần tự nhiên nhất trong các ứng dụng như định vị GPS chỉ đường, hoặc giúp điện thoại thông minh có thể nhận diện chính xác phát âm khi đánh máy lời nói thành văn bản với ít lỗi nhất. Ví dụ khi cần tìm đến chợ Lẹt, mà đánh hoặc cho khẩu lệnh địa chỉ xong, GPS lúng túng không tìm được chợ nào là "Lẹt", mà chỉ có chợ "Lèt", nếu thanh viết bằng dấu nặng trong 'lẹ' và 'lẹt' được chương trình hóa trong phần mềm là cùng một thanh /./
- Cao Xuân Hạo. 1998. Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa. Thành phố Hồ Chí Minh: NXB Giáo dục.
- Đoàn Thiện Thuật. 1977. Ngữ âm tiếng Việt. Hà Nội: NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp.
- Haudricourt, André G. 1954. Sur l'origine de ton de Vietnamien. Journal Asiatique, 242: 69-82.
- Thompson, Laurence. 1965, 1987. Vietnamese Grammar. Honolulu: University of Hawai'i Press.
- Võ, Xuân Hào. 1997. Nghiên cứu về chức năng của Thanh điệu tiếng Việt theo phương pháp định lượng. Luận án Tiến sĩ. Đại học Sư Phạm. Hà nội.
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/thanh-ngang-la-gi-a41300.html