Những tiến bộ trong phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý Sản Phụ khoa

Những tiến bộ trong phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý Sản Phụ khoa mang đến nhiều lợi ích, đặc biệt người bệnh có thể điều trị hiệu quả ngay trong nước, không cần phải ra nước ngoài chữa trị.

Live tiến bộ trong phẫu thuật nội soi
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh Hà Nội và MC Thụy Vân trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến

Thông tin trên được 3 vị chuyên gia chia sẻ trong chương trình Tư vấn sức khỏe trực tuyến “Tiến bộ trong phẫu thuật nội soi điều trị bệnh lý Sản Phụ khoa” tối ngày 24/10/2023 vừa qua. Độc giả có thể xem lại chương trình tư vấn tại đây.

Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 90% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh sản mắc bệnh phụ khoa ít nhất 1 lần trong đời, trong đó cứ 100 người sẽ có 11 người tái nhiễm nhiều lần.

Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM tiếp nhận thăm khám và điều trị số ca bệnh ngày càng tăng, nổi trội là căn bệnh lạc nội mạc tử cung chiếm 40-45% các trường hợp. Tiếp đến là các bệnh lý liên quan đến khối u buồng trứng, u xơ tử cung, bệnh ở phần phụ như buồng trứng, vòi trứng, bệnh sa tạng chậu, sa sinh dục… Có thể thấy, đây là những bệnh lý không chỉ gây triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn đe dọa tương lai sản khoa của người phụ nữ.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM cho biết, nếu như trước đây có những bệnh lý không thể phẫu thuật nội soi được thì hiện nay, với đà phát triển và những bước tiến vượt bậc của khoa học kỹ thuật đã có thể can thiệp nội soi cho những khối u lớn, bướu lớn. Không chỉ nội soi hai chiều trên không gian phẳng, hiện nay còn có nội soi 3D không gian ba chiều hoặc robot để giải quyết hiệu quả nhiều bệnh lý Sản Phụ khoa ở người phụ nữ.

Không chỉ can thiệp ở người phụ nữ, hiện nay phương pháp nội soi đã có thể can thiệp vào bào thai nằm trong bụng mẹ như hội chứng truyền máu song thai, can thiệp hủy đi một thai để đảm bảo sự sống cho thai còn lại… “Chúng ta đã triển khai được và đã có thể sánh vai cùng nhiều nước trên thế giới như Hoa Kỳ, châu u, châu Úc… Tên tuổi chúng ta đã được thế giới biết đến và nhiều tên tuổi phẫu thuật viên Việt Nam được nhắc đến với bề dày kinh nghiệm không chỉ ở lĩnh vực Sản Phụ khoa mà còn ở Ngoại tổng quát, Chấn thương chỉnh hình… ”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ thêm.

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong buổi tư vấn sức khỏe trực tuyến

Là người đầu tiên mang và thực hiện kỹ thuật can thiệp bào thai tại Việt Nam, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê - Bác sĩ cao cấp Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh Hà Nội cho biết, trước đây bào thai là nơi bất khả xâm phạm, chỉ nhìn chứ không thể làm gì. Sau khi nhận thấy nước ngoài làm được và thành công, bác sĩ đã không ngừng cập nhật, học tập và ứng dụng tại Việt Nam, vạn sự khởi đầu nan nhưng đã thành công ngay lần đầu.

“Chúng tôi vẫn đang phấn vấn để trình độ y học bào thai ở Việt Nam vươn tầm các trung tâm lớn trên thế giới”, bác sĩ Đinh Thị Hiền Lê chia sẻ.

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa - Phó khoa Sản Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, bệnh lý Sản Phụ khoa tiến triển âm thầm, nếu không được phát hiện sớm và can thiệp hiệu quả sẽ đe dọa sức khỏe, tính mạng cũng như tương lai sản khoa của người phụ nữ. Vì thế, chị em cần thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe.

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa
ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa - Phó khoa Sản Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP.HCM trong chương trình tư vấn sức khỏe trực tuyến

Dưới đây là phần giải đáp của 3 vị chuyên gia trước những thắc mắc của khán giả cả nước gửi về chương trình tư vấn:

1. U bì buồng trứng có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và có diễn tiến thành ung thư không?

Em 31 tuổi, bị u bì buồng trứng kích thước 65*46mm, không đau, kinh nguyệt đều, lâu lâu hơi nhói. Bác sĩ nói u đặc toàn tóc, móng và bã nên cần mổ nội soi. Bác sĩ cho em hỏi vì sao trường hợp của em phải mổ nội soi mà không thể điều trị bằng thuốc? Ngoài ra em chưa có gia đình, bệnh này có ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này không? Có nguy cơ tái phát hay chuyển biến thành ung thư không? (Khán giả Mỹ Hương gửi câu hỏi về chương trình)

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa: U buồng trứng là u thực thể, u tương sinh nên cách điều trị tốt nhất là can thiệp phẫu thuật, không thể chỉ dùng thuốc. Vấn đề mổ nội soi hay mổ hở cần xem xét cụ thể trên từng tình trạng bệnh để đưa ra chỉ định tối ưu nhất. Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là thời gian hậu phẫu ngắn, bệnh nhân ít đau đớn, hồi phục nhanh chóng.

Phẫu thuật mổ nội soi u buồng trứng chỉ can thiệp trên u buồng trứng, bảo tồn những mô lành. Nếu chỉ cắt một bên buồng trứng, vẫn còn một bên nên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản. Tình huống phải cắt hết hai bên buồng trứng, phụ nữ sẽ không còn nội tiết và rơi vào tình trạng mãn kinh sau phẫu thuật.

Để kiểm tra u bì buồng trứng có nguy cơ diễn tiến thành ung thư hay không, sau phẫu thuật khối u sẽ được gửi đi giải phẫu bệnh, xem sự phát triển của khối u là lành tính hay ác tính. Trường hợp ác tính, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn cách điều trị tối ưu và an toàn nhất cho bệnh nhân.

2. Nhân xơ tử cung kích thước lớn điều trị như thế nào?

Mẹ em được chẩn đoán nhân xơ tử cung to (D25), xét nghiệm tế bào học không bị ung thư. Bác sĩ tư vấn mổ lấy nhân xơ ra theo phương pháp cắt một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Em đã điều trị bệnh tại Tâm Anh thấy chất lượng dịch vụ rất tốt nên muốn mẹ điều trị tại đây. Nhờ bác sĩ tư vấn cụ thể phương pháp điều trị cho mẹ. Tuy là nhân xơ lành tính nhưng kích thước to làm mẹ ra máu kinh nhiều dẫn đến thiếu máu, dễ mệt và tim đập mạnh. Mẹ em không bị bệnh tim ạ. (Khán giả Phạm Thanh gửi câu hỏi về chương trình)

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: U xơ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến, có thể gây nhiều biến chứng cho người bệnh. Trường hợp mẹ của bạn xuất hiện các triệu chứng thiếu máu nặng gây thiếu oxy trầm trọng, tim tăng co bóp để đưa máu đến các cơ quan, làm việc với công suất nhiều hơn bình thường… cần đến ngay bệnh viện càng sớm càng tốt để được xem xét truyền máu, nâng thể trạng lên.

D25 là mã quốc tế để mô tả bệnh u xơ tử cung. Căn bệnh này gần như lành tính, vì thế không có chỉ định mổ cho tất cả các trường hợp. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, xem xét vị trí, phân loại u xơ để xác định có cần thiết mổ hay không. Thông thường, u xơ tuổi mãn kinh có khả năng tự ngừng phát triển và giữ nguyên kích thước, phụ nữ có thể sống chung mà không cần điều trị. Bác sĩ sẽ thảo luận và dựa trên nguyện vọng của bệnh nhân để đưa ra hướng điều trị phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp có quá nhiều u xơ nhưng không thể bóc tách, bắt buộc phải cắt bỏ tử cung.

Tóm lại, tại Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chúng tôi cá thể hóa mỗi bệnh nhân để đưa ra chỉ định điều trị phù hợp, có cần thiết mổ hay không. Đối với trường hợp có chỉ định mổ, chúng tôi sẽ xem xét kỹ bệnh nền của bệnh nhân nếu có, đánh giá bệnh nền đó có ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật hay không để tiến hành điều chỉnh bệnh nền trước khi can thiệp phẫu thuật.

3. Bị lạc nội mạc tử cung buồng trứng và cơ tử cung làm sao để hết đau?

Em bị lạc nội mạc tử cung buồng trứng và cơ tử cung. Em mổ 2 lần rồi, lần 1 em mổ nội soi, lần 2 em mổ mở nhưng bị dính ruột không bóc được. Có cách nào để bệnh giảm đau không ạ, vì mỗi lần đau em như chết đi sống lại. Em nghe nói cắt tử cung không có kinh sẽ hết đau thì có đúng không? Nhưng buồng trứng của em dính ruột, liệu cắt tử cung có đau nữa không ạ? (Khán giả Hương Trương gửi câu hỏi về chương trình)

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê: Để đưa ra chỉ định phù hợp nhất cho bạn, chúng tôi cần biết thêm bạn bao nhiêu tuổi, đã có con chưa hay có nguyện vọng mang thai và sinh con nữa hay không… Nếu bạn gần đến tuổi mãn kinh, không đặt nặng vấn đề con cái, các triệu chứng bệnh gây nhiều đau đớn… việc điều trị khá đơn giản, đó là phẫu thuật cắt bỏ tử cung và khối lạc nội mạc tử cung buồng trứng. Cuộc phẫu thuật này sẽ gồm bác sĩ Sản khoa, bác sĩ Tiêu hóa và bác sĩ Tiết niệu cùng phối hợp để mang đến kết quả phẫu thuật tốt nhất.

Tuy nhiên, nếu bạn còn trong độ tuổi sinh sản và vẫn còn nguyện vọng sinh con, đây thực sự là vấn đề khó. Chúng tôi cần thăm khám và đánh giá xem bạn có thể sử dụng thuốc ức chế hay không, hay phải kích trứng lấy noãn để trữ phôi. Tình huống tử cung của bạn vẫn có thể mang thai, chúng tôi sẽ khuyến khích bạn thử mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn không thể mang thai hoặc tiên lượng mang thai gặp nhiều nguy hiểm như sảy thai, sinh non… chúng tôi cần cân nhắc đến phương pháp cắt tử cung điều trị bệnh, sau đó bạn có thể có con bằng hình thức mang thai hộ dựa trên phôi đã trữ. Hiện nay phương pháp mang thai hộ đã được nhà nước cho phép để mang lại cơ hội được làm mẹ cho những phụ nữ không may mắc bệnh lý phức tạp. Do đó, chúng tôi cần trực tiếp thăm khám, đánh giá và hội chẩn liên chuyên khoa để đánh giá khả năng phẫu thuật cho trường hợp của bạn.

4. Sau mổ u xơ tử cung bao lâu được mang thai?

Em năm nay 35 tuổi, mới sinh bé bằng phương pháp sinh mổ. Khoảng 3 tháng nay em bị rong kinh, tháng trước là rong kinh 4 ngày, tháng này rong kinh hơn 1 tuần nên em có đi bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ nói em có u xơ dưới niêm mạc kích thước 56x54mm, chỉ định uống thuốc ngừa thai trong vòng 3 tháng rồi tiến hành mổ cắt nhân xơ vì em còn nguyện vọng sinh thêm 1 bé. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc được 2 tháng em vẫn bị rong kinh, thậm chí lần này ra máu nhiều hơn lần trước, có lẫn máu cục. Bác sĩ cho em hỏi bây giờ em nên tiếp tục uống thuốc ngừa thai đến khi đủ 3 tháng hay nên mổ luôn? Nếu mổ thì nên mổ nội soi hay mổ hở bóc tách u xơ? Sau mổ bao lâu được mang thai lại ạ? (Khán giả My Thao gửi câu hỏi về chương trình)

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa: U xơ tử cung dưới niêm mạc kích thước 56x54mm là u xơ kích thước lớn, nếu dùng thuốc không đáp ứng mục đích điều trị cần can thiệp mổ để lấy khối u xơ ra ngoài, ngăn chặn sự mất máu kéo dài. Ưu tiên mổ nội soi bởi phương pháp này mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh và ưu tiên mổ đường ngả âm đạo, nếu khối u quá to sẽ thực hiện lên đường bụng, xẻ lòng tử cung để lấy khối u ra ngoài. Sau cuộc mổ, bác sĩ sẽ tư vấn khoảng thời gian nào có thể mang thai lại phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.

5. Polyp buồng tử cung có ảnh hưởng việc mang thai không?

Em đi khám được chẩn đoán là bị polyp buồng tử cung, được chỉ định mổ nội soi. Em muốn hỏi có nhất định phải mổ không và có ảnh hưởng gì đến khả năng có thai sau này không? (Khán giả Alice Phan gửi câu hỏi về chương trình)

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Cần xem xét nhiều yếu tố để cân nhắc có cần thiết can thiệp polyp lòng tử cung hay không, chẳng hạn như người bệnh đã đủ số con mong muốn hay chưa, có nguyện vọng sinh con nữa không, kích thước khối polyp thay đổi như thế nào qua các lần siêu âm cũng như các biến chứng do khối polyp gây ra…

Thực tế cho thấy, khoảng 70% các trường hợp polyp lòng tử cung có thể theo dõi được vì không gây biến chứng. Người bệnh cần tham gia siêu âm hàng loạt như siêu âm sau khi có kinh và giữa kỳ kinh, nếu khối polyp không tăng kích thước qua những lần siêu âm sẽ không cần can thiệp.

Tuy nhiên, nếu người bệnh đang mong con hoặc rơi vào nhóm khó khăn trong việc có con, cần tham khảo ý kiến bác sĩ Hỗ trợ sinh sản. Trường hợp người bệnh đang chuyển phôi hoặc chuyển phôi thất bại nhiều lần, sảy thai liên tiếp nhiều lần… cần can thiệp để giải quyết khối polyp trước khi có ý định mang thai hoặc chuyển phôi.

6. Song thai có 1 thai mắc hội chứng Traps có ảnh hưởng đến thai còn lại không?

Em 28 tuổi mang song thai 12 tuần, có 1 thai bị hội chứng Traps (không đầu, không tim, không tay, chỉ thấy bộ phận từ bụng đến chân, theo dõi thoát vị rốn, kích thước 7x8x7, thấy có nhánh mạch máu nuôi), thai còn lại thì bình thường. Bác sĩ cho em hỏi bé bất thường có ảnh hưởng đến bé còn lại không? Trường hợp của em cần theo dõi điều trị như thế nào? Em có hy vọng cán đích để sinh bé còn lại khỏe mạnh không? Gia đình đang rất lo lắng và hoang mang, mong được bác sĩ tư vấn. (Khán giả Bảo My gửi câu hỏi về chương trình)

ThS. BS Đinh Thị Hiền Lê: Traps là hiện tượng song thai có 1 thai bình thường và 1 thai bất thường. Thai này không chỉ bất thường về mặt hình thái, mà còn không có cấu trúc về tim. Bản thân thai bất thường không thể tự nuôi mà kết nối với thai bình thường, lấy máu từ thai bình thường. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp Traps đều gây biến chứng nguy hiểm và cần can thiệp, dựa vào các chỉ số mà bác sĩ sẽ đánh giá tiếp tục theo dõi hay can thiệp phẫu thuật.

Thông thường thai từ 16 tuần trở lên mới can thiệp, ở tuổi thai này sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ, nếu không đe dọa thai nhi sẽ tiếp tục theo dõi đến 18-20 tuần. Đến thời điểm đó hai thai vẫn chung sống hòa bình sẽ tiếp tục theo dõi đến khi bé chào đời.

Nhưng đối với những trường hợp Traps có nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định can thiệp ngay để tránh làm suy thai bình thường. Tốt nhất, bạn nên gặp các chuyên gia chuyên môn về song thai để được siêu âm đánh giá, hướng dẫn tiếp tục theo dõi hay cần làm gì tốt nhất cho thai nhi.

7. Cắt tử cung và vòi trứng nên mổ nội soi hay mổ hở?

Tôi bị lạc nội mạc đã phẫu thuật bóc khối lạc nội mạc vào năm 2017 nhưng đến nay bị lại, đa nhân xơ tử cung, nhân xơ lớn nhất kích thước 32x30mm. Hiện tại tôi đang bị rong kinh, đau bụng dưới, tôi muốn phẫu thuật cắt bỏ tử cung và vòi trứng, để lại 2 buồng trứng. Trường hợp của tôi dùng phương pháp mổ nào là phù hợp? (Khán giả Băng Hạ gửi câu hỏi về chương trình)

ThS.BS Nguyễn Thị Quý Khoa: Bệnh lý lạc nội mạc tử cung là bệnh mạn tính, việc cắt bỏ chỉ giải quyết triệu chứng đau bụng tại chỗ, tuy nhiên các mô quanh tử cung vẫn có thể còn tế bào lạc nội mạc, còn buồng trứng nghĩa là còn nội tiết, do đó lạc nội mạc tử cung vẫn có thể tiếp tục phát triển.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị phù hợp. Trước tiên, cần thăm khám thực thể, đánh giá tử cung và mong muốn điều trị của người phụ nữ để đưa ra giải pháp tốt nhất.

8. Bị u lạc nội mạc tử cung trong cơ phải làm sao?

Em 42 tuổi đã có 2 con. Em có u lạc nội mạc tử cung trong cơ, làm cho tử cung to như thai 4 tháng. Đến tháng thì đau bụng đau lưng, giữa tháng thì đau rút mông và đau lưng, khi nằm thì tử cung nổi lên như bụng bầu. Em thấy mệt mỏi quá, chỉ muốn cắt luôn tử cung nhưng lại sợ ảnh hưởng nội tiết và quyền phụ nữ. Xin bác sĩ cho em lời khuyên. (Khán giả Mỹ Duyên Trần gửi câu hỏi về chương trình)

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Lạc nội mạc trong cơ tử cung là bệnh lý khá phổ biến, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống của người bệnh bằng triệu chứng đau và một số triệu chứng khác liên quan đến tình trạng băng kinh, cường kinh hoặc thiếu máu. Khối u kích thước lớn hơn có thể đè lên các cơ quan lân cận như phía trước tử cung là bàng quang gây triệu chứng tiểu lắt nhắt, bí tiểu, hoặc đè ra phía sau gây khó khăn khi đại tiện, đau khi đi cần hoặc táo bón…

Đối với trường hợp khối u lạc nội mạc tử cung kích thước lớn, gây triệu chứng ở phụ nữ có đủ số con, bác sĩ sẽ đánh giá xem có điều trị nội khoa được hay không, chẳng hạn như sử dụng nhóm thuốc đối kháng lại nội tiết Estrogen để làm thoái triển các mô lạc nội mạc tử cung.

Hiện nay có thêm một giải pháp khác là dụng cụ tử cung có nội tiết, tức là vòng chứa nội tiết để đáp ứng điều trị như giảm đau bụng kinh, giảm chảy máu… Nếu điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, các triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng sống sẽ can thiệp phẫu thuật.

9. Bé gái 12 tuổi thường xuyên đau bụng có cần đi khám không?

Con em 12 tuổi chưa có kinh nguyệt, nhưng gần đây hay than đau bụng. Em khá lo bé gặp vấn đề gì về đường sinh sản. Trước em đọc báo có biết bác sĩ Tâm Anh phát hiện 1 bé gái bị ứ đọng kinh nguyệt trong bụng vì ống âm đạo bịt kín bẩm sinh, em cũng lo con em bị như vậy. Xin hỏi bác sĩ em nên đưa con đi khám lúc nào, và nếu thực sự bé bị bệnh thì nên phẫu thuật nội soi hay mổ hở? Vì cháu đang đi học em sợ nằm viện lâu, nhờ bác sĩ tư vấn. (Khán giả Sao Mai gửi câu hỏi về chương trình)

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê: Bé gái 12 tuổi chưa có kinh nguyệt không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bé xuất hiện triệu chứng đau bụng thường xuyên, mẹ cần đưa bé thăm khám sớm để kiểm tra xem bé gặp vấn đề về phụ khoa hay tiêu hóa. Khi thăm khám cho bé, bác sĩ sẽ sử dụng các phương tiện không xâm lấn là siêu âm đường bụng để thăm khám và chẩn đoán cho bé, bé cần nhịn tiểu để việc siêu âm được dễ dàng.

10. Phẫu thuật nội soi cắt tử cung có đau không?

Em bị CIN3, bác sĩ khuyên khoét chóp và có thể phải cắt bỏ tử cung. Bác sĩ cho em hỏi mổ nội soi cắt tử cung có đau không và sau khi cắt thì quan hệ vợ chồng có bất thường hay cơ thể nhanh lão hóa không? Em năm nay 29 tuổi và đã có 1 con ạ. (Khán giả Xuân Phan Thị gửi câu hỏi về chương trình)

BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi: Một trong những lo lắng của bệnh nhân mắc bệnh tại cổ tử cung là cắt bỏ tử cung. Tuy nhiên, người bệnh CIN1 chỉ cần theo dõi vì 80% trường hợp bệnh tự thoái triển không cần can thiệp. Nếu CIN2 hoặc CIN3, đặc biệt là CIN3 tổn thương tiền ung thư ở mức độ cao, bác sĩ sẽ tư vấn khoét chóp cổ tử cung.

Khi bấm sinh thiết chỉ lấy một mẫu nhỏ, do đó không thể biết trong cổ tử cung còn tồn tại CIN3 hay nguy cơ diễn tiến thành ung thư cổ tử cung thực sự hay không. Vì thế, cần một mẫu lớn hơn ở cổ tử cung để khảo sát kỹ càng tổn thương nên cần đến khoét chóp. Dựa vào kết quả khoét chóp mà bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể hơn.

Trường hợp mẫu sinh thiết có tổn thương được ghi nhận ung thư tại chỗ, tử cung vẫn có thể được giữ lại, không cần cắt bỏ và vẫn có thể sinh đủ số con như bệnh nhân mong đợi. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có thể còn những tổn thương chưa thể đánh giá tiền ung thư, ung thư tại chỗ hay ung thư xâm lấn, bác sĩ sẽ cân nhắc đợi người bệnh sinh thêm đứa con rồi mới cắt tử cung hay không.

Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh với sự phát triển của tất cả các chuyên khoa có liên quan đến Sản Phụ khoa như Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh, sở hữu hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc chẩn đoán các bệnh lý Sản Phụ khoa từ siêu âm đầu dò âm đạo, siêu âm qua ngả âm đạo trực tràng, siêu âm ổ bụng, siêu âm bơm dịch vào lòng tử cung, MRI có thuốc hoặc không thuốc, MRI cho thai… chính là những công cụ đắc lực trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp. Trung tâm Xét nghiệm sở hữu các phương tiện giúp việc lấy mẫu nhanh, tầm soát sớm có kết quả… Sự phối hợp chặt chẽ cùng nhiều trung tâm khác trong bệnh viện như Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Trung tâm Tim mạch, khoa Ung bướu… giúp phụ nữ hoàn thành ước nguyện có con, được chăm sóc các vấn đề sức khỏe toàn diện nhất.

“Khi có những băn khoăn, trăn trở không biết thổ lộ cùng ai và không biết giải quyết như thế nào hoặc đã thất bại trong nhiều cách điều trị khác nhau, chị em có thể tin tưởng tìm đến để cùng thảo luận đưa ra hướng điều trị phù hợp và tối ưu nhất”, bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi nhắn nhủ.

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/mo-noi-soi-cat-voi-trung-phai-a3349.html