Mùa đông trở mình. Cái rét buốt giá của những ngày cuối năm ngậm ngùi phủ sương trắng cánh đào đang chúm chím môi hồng đợi mùa xuân. Ai ghé vùng núi cao mùa này mới biết gió mùa đông bắc ở vùng đồng bằng thật chỉ khác cô gái đỏng đảnh chút thôi. Còn cái rét vùng cao giống như mụ dì ghẻ độc ác trong truyện cổ tích ngày xưa muốn hủy hoại hết những sắc màu của thiên nhiên để đóng băng, phủ muối cho cuộc đời đứa con riêng bất hạnh. Nhưng dã quỳ vẫn bung sắc vàng rực rỡ, ngàn lau vẫn ngậm sương đêm tình tự bên sườn non, còn người với người tự biết bỏ bớt sân si để cùng nhau đi qua những mùa đông giá buốt.
Những đứa trẻ vui đùa. Ảnh: MH
Mùa đông vẫn thường cho mình cái quyền muốn gì được nấy nên có bao giờ bận tâm đến những tâm hồn đang nhìn nó ước mơ. Mơ về một ngày sương tan, nắng ấm phủ lên phố huyện. Mơ về một vòng tay vội vã quàng sau lưng mà ghì chặt trong lòng những yêu thương không kịp kìm nén. Mơ về bữa cơm chiều đầm ấm, một bếp lửa đượm than hồng hay một bàn tay nắm chặt lấy bàn tay giữa giá lạnh mùa đông...
Mùa đông là nỗi ám ảnh đối với những ai lần đầu đến với cao nguyên Sìn Hồ. Tôi đã hơn một lần có ý định chạy trốn sau bốn ngày nhận công tác. Nhưng chính đôi chân trần địu củi của những đứa trẻ ở Phăng Sô Lin trong buổi chiều sương giá buốt ấy lại trở thành động lực để tôi gắn bó với Sìn Hồ đến giờ. Con đường mờ sương nối liền những ước mơ đến trường kiếm tìm con chữ. Một đôi giày ấm, một tấm áo mới dường như vẫn chỉ là ước mơ xa vời với những đứa trẻ vùng cao ngày đó.
Tôi nhớ chuyến đi Pu Chu Phìn (xã Tủa Sín Chải) để thăm cậu học trò. Chặng đường gần 40km đi xe máy và hơn 5km đi bộ ấy sẽ là những kỉ niệm đẹp cho những tháng năm gắn bó với Sìn Hồ của tôi. Từng nghe Pếnh kể về cuộc sống của em ở bản, nên trước khi đi, tôi đã liên hệ và xin cho bọn trẻ ít quần áo ấm. Vào đến nơi, nhìn những manh áo vá chằng vá đụp, những gương mặt lấm lem, những thân hình bé nhỏ co ro trước mỗi đợt gió lùa... lòng lại nhủ lòng phải làm gì đó để các con có mùa đông ấm áp hơn. Gió lạnh, sương lạnh ngang nhiên ùa vào trong áo, chạy theo tận cửa lớp, nghịch ngợm trên mắt, trên tay, bám riết lấy chân, lấy vở… Biết thế nào được? Bếp củi giữa sân trường hay trong lớp học vẫn bập bùng cháy, than hồng rực cả đôi má nứt nẻ vì lạnh cũng chỉ kịp khô chiếc áo mặc ngoài. Ánh mắt trong veo hồng ánh lửa. Đôi mắt thơ ngây, hồn nhiên đọc từng con chữ i...a... Đôi tay bé nhỏ rụt rè nhận chiếc áo ấm. Có những đứa trẻ trên núi cao chưa từng được biết mùi áo ấm nay còn thơm tho cả tình người.
Ai đi chợ phiên, ai ra chợ người? Những nẻo Làng Mô, Tả Ngảo, Tủa Sín Chải người Mông xúng xính váy áo xuống chợ. Đàn bà địu cả lu cở rau rừng hay sản vật của rừng, hoặc địu con, còn đàn ông thì lưng cõng lợn, nách cắp gà đạp chân trên sương giá mà như trẩy hội. Những nẻo Tả Phìn, Phăng Sô Lin người Dao có điều kiện hơn vì buôn bán khắp nơi cũng địu hàng hóa xuống chợ đổi đồ. Vùng cao chẳng có sông sâu, thức ăn thủy sản như là món hàng xa xỉ. Những năm gần đây, người Thái tận vùng Chăn Nưa, Lê Lợi cũng dậy sớm, gom cá tôm của thuyền đánh cá trên sông Đà đưa lên chợ huyện bán kiếm bát gạo, bó rau cho bữa cơm chiều. Chợ phiên nhộn nhịp từ sáng sớm, sương lạnh nhòe mờ mắt người đi hay hơi thở vội vàng đẫm hơi sương mà phố huyện cứ bàng bạc như chạm, như khắc những bóng hình lẫn trên nền trời. Góc chợ, chợ lao động họp muộn hơn. Những người đàn bà luống tuổi, sức khỏe không đủ để người ta chọn lựa thuê làm theo ngày công nên tới đây, quây quần bên đống củi lửa cháy xèo xèo, khói cay mắt vì ướt sương, chờ người đến thuê mình.
Một chiếc xe máy trờ tới, đỗ lại. Người được lựa chọn thuê đứng lên, vác cuốc, địu lu cở đi cùng. Những người còn lại lại bắt đầu xuýt xoa cái lạnh trên đầu ngón tay đang tranh thủ thêu áo váy đợi mùa xuân về. Cứ thế, cứ thế, ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác… những người đàn bà luống tuổi, những mảnh đời đẫm hơi sương góp nhặt mà làm nên chợ lao động rẻ mạt tiền công nhưng luôn ấm tình người. A ma còng là cái tên mọi người hay gọi người đàn bà bị còng lưng, ngồi ở chợ này suốt từ thời con gái. Nhìn cái dáng đi như ngồi của a ma, có người thương tình cũng gọi về dọn cỏ, làm vườn. Sự chịu khó để lại dấu vết trên đôi tay gầy thô mà chằng chịt vết sẹo nhỏ, sẹo to. Những ngày đông giá, cái lưng còng giở chứng hành người nên dù được nhường ngồi sát đống lửa nhưng khuôn mặt a ma cũng không thể nào tươi hơn được. Thương a ma còng, thương cả những kiếp người dẫu lăn lộn vẫn miệt mài đan dệt ước mơ chờ đến xuân sang.
Bếp lửa có vai trò rất quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Ảnh: MH
Mùa đông xứ này chẳng có nổi một cánh chim trời chao liệng giữa tầng không nhưng lại đón vô số những tấm lòng gắn bó với quê hương. Ai xuôi ai ngược mặc ai, những chàng trai cô gái sinh ra ở đất này, lớn lên ở đất này, đi ra từ đất này và nay trở về đất này để dựng xây, để cống hiến. Người Kinh về xuôi theo tiếng gọi quê hương, người Dao, người Mông ngược núi bởi yêu thương bản làng. Những ruộng bậc thang bạc màu trong mưa, toang hoác vì lạnh đang được bọc những sắc màu của sự sống. Đất ruộng nồng nàn cải xanh, đất núi su su đơm quả, đất nương thơm lừng đương quy, đất rừng mênh mông chè cổ… Một cuộc sống mới đang hiện hình từ những mầm xanh, long lanh trong đáy mắt những hy vọng cho người dân nơi đây.
Băng giá phủ kín những cung đường nhưng cũng chẳng thể ngăn nổi những tâm hồn thích khám phá, thích săn mây. Mây đèo Can Tỷ, mây Sà Dề Phìn, mây Làng Mô hay Pu Sam Cáp đều đẹp vô cùng, tuyệt mỹ vô cùng. Mỗi vị trí đều cho ta cảm giác được chạm đến đỉnh trời. Mây bồng bềnh như hơi thở, lâng lâng như nỗi nhớ người yêu, quyến luyến như gia đình và cũng có lúc chùng chình như đám rượu cuối ngày ai cũng say mà chẳng muốn tàn cuộc. Mây sáng trắng như bông, mây trưa nhuộm ánh hồng, mây chiều tím màu nắng xế. Có phải vì thế mà những tay phượt tận Sài Gòn, Hà Nội sẵn sàng bỏ phố thị mà lên với rừng, với núi ngày đông? Đi để trải nghiệm hành trình vượt đường trong mây, trượt dài trong mây, sõng soài với mây và đứng trên tầng mây mà nhìn ngắm đất trời Tây Bắc trong mênh mông biển mây Sìn Hồ.
Lạnh giá đấy nhưng đất trời có lúc như thơ. Đó là khi sương bám vành nón quanh núi Đá Ô, nước đọng thạch nhũ động Ông Tiên hay nước suối đứng im như ngủ bên sườn núi soi bóng sơn nữ cõng nước sớm mai. Ai đi qua miền cổ tích nhắc nhớ ông Tiên về chiếc ô năm nào bỏ quên ở hạ giới để đất Tả Phìn có núi Đá Ô, có động Ông Tiên nghiêng mình bên suối. Ai xuôi dòng Nậm Na để lòng rộn ràng nhớ điệu xòe từ thuở xa xưa khi Vua Thái lập tự trị xứ Mường? Tiếng sương đêm rơi rơi, tiếng sáo chiều thổn thức, tiếng đàn môi thôi thúc gọi mời người về với cao nguyên. Những cánh đào phai, những cành mơ trắng vẫn mong manh đợi nắng trong cái rét ngày đông để bung nở sắc hoa.
Đêm buông là lúc trời dồn hơi ấm về xuôi, nền nhiệt chỉ còn 1, 2 độ C. Từ thị trấn đến núi cao tịnh không một bóng người. Trời quang khi trăng lên, có tiếng sáo từ đầu sàn nhà ai vọng giữa tầng không quyện trong mùi khói thơm của thông, của tống quán sủ đang bập bùng cháy trong bếp, ngoài hiên của mỗi nhà.
Sương lạnh trên cao nguyên dù có khắc nghiệt nhưng mãi là quá khứ ấm áp, là hiện tại yêu thương và tương lai tươi sáng đối với những người đã trót yêu, trót mê một Sìn Hồ bao dung trong mùa đông giá.
Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/suong-gia-se-luon-roi-a3019.html