Tóc bạc sớm (PREMATURE GRAYING OF HAIR/CANNITIES)

  1. ĐẠI CƯƠNG

Tóc bạc là tình trạng tóc mất sắc tố, chuyển thành màu trắng. Cơ chế bệnh sinh của tóc bạc sớm chưa rõ ràng, một số tác giả cho rằng có thể liên quan đến rối loạn lão hoá sớm, bệnh tự miễn, cơ địa. Bệnh nhân tóc bạc sớm cần được đánh giá tổng thể, bao gồm cả các bệnh chuyển hoá. Đến nay, nhuộm tóc là phương phác lựa chọn chủ yếu để đảm bảo tính thẩm mỹ trong tóc bạc sớm, bên cạnh các biện pháp bổ sung chất vitamin và khoáng chất.

Độ tuổi xuất hiện tóc bạc tự nhiên trung bình ở người da trắng, vàng, đen tương ứng là 35, 40 và 45 tuổi và khoảng 6-23% người 50 tuổi có 50% số lượng tóc là bạc. Tóc bạc sớm được định nghĩa là tình trạng tóc bạc trước tuổi 20 ở người da trắng, trước 25 ở người da vàng và trước 30 tuổi ở người da đen.

Tỉ lệ tóc bạc sớm thay đổi theo từng quốc gia và từng nhóm người. Một nghiên cứu năm 2013 của Ấn Độ trên 4840 học sinh từ 12-19 tuổi, có 60 học sinh (1.2%) có tình trạng tóc bạc sớm, trong đó có 55% là nam giới và độ tuổi khởi phát trung bình là 15. Một nghiên cứu trên 673 sinh viên Y Parkistan, có đến 210 sinh viên (31.2%) mắc tóc bạc sớm.

Chức năng sinh học của sắc tố tóc

  1. CƠ CHẾ BỆNH SINH

Sắc tố của tóc liên quan đến chu kì sinh tổng hợp melanin ở nang lông, bao gồm quá trình hình thành melanin và chuyển melanin đến tế bào sừng ở thân tóc, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Sắc tố của da tạo thành do hemoglobin (đỏ hoặc xanh), carotenoid (vàng) và melanin, còn màu tóc phụ thuộc hoàn toàn vào melanin. Nang tóc của người gồm 2 loại melanin: eumelanin màu nâu đen và pheomelanin màu đỏ vàng. So với tế bào melanocyte ở da, tế bào melanocyte ở nang tóc to hơn, tua gai, bộ máy Golgi phát triển hơn và tạo ra gấp 2-4 lần lượng melanosome.

Mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu sinh bệnh học của sắc tố tóc nhưng nguyên nhân của tóc bạc vẫn chưa rõ ràng, chủ yếu được giải thích dựa trên các yếu tố về gen (alpha-MSH, C-Kit, MITF..) và gốc oxy hóa tự do (ROS), từ đó làm giảm số lượng tế bào melanocyte hoạt động tại nang tóc và rối loạn quá trình vận chuyển melanosom. Điều này có thể gây ra mất dần sắc tố qua vài chu kì tóc hoặc chỉ cần qua 1 chu kì tóc.

Sau 30 tuổi, cứ mỗi 10 năm, lượng sắc tố được sản xuất từ tế bào melanin giảm 10±20%. Đồng thời, sau 50 tuổi, các tế bào melanocyte cũng giảm dần. Do vậy, tuổi có ảnh hưởng đến sắc tố của thượng bì, nang tóc, bớt và mắt.

  1. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ

Một nghiên cứu trên 6390 người trong đó có 1618 người mắc tóc bạc sớm cho thấy sự liên quan chặt chẽ giữa tiền sử gia đình có người tóc bạc sớm và béo phì đến tỉ lệ tóc bạc sớm và mức độ nặng của tóc bạc.

  1. LÂM SÀNG

Thời điểm tóc bạc khởi phát phụ thuộc chủng tộc, thông thường bắt đầu từ tuổi 40. Tóc bạc tự nhiên xuất hiện ở tuổi 35, 40, 45 tương ứng với chủng tộc da trắng, da vàng và da đen. Một nghiên cứu báo cáo 6-23% số người có 50% tóc bạc ở tuổi 50. Một nghiên cứu trên 1002 người Hàn Quốc cho thấy có 51.5% người có tóc bạc ở tuổi 30, 81.1% ở tuổi 40 và 95.3% ở tuổi 50. Tóc bạc sớm là trước tuổi 20 ở người da trắng, trước 25 của người da vàng và trước 30 tuổi ở người da đen. Tóc bạc thường bắt đầu ở vùng thái dương, vùng đỉnh rồi những vùng còn lại, tiến triển từ từ, râu và lông cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng thường muộn hơn. Tóc bạc đột ngột sau một đêm có thể là một giải đoạn của rụng tóc thể mảng, gọi là canities subita.

Đặc điểm của tóc bạc: thô, dày, dài, dễ nhổ hơn tóc có sắc tố. Tóc bạc thường khó nhuộm hơn và giữ màu kém hơn.

Có thể kèm theo bất thường về nồng độ vitamin B12, acid folic, kẽm, đồng, chức năng tuyến giáp trong máu…

Có nhiều công cụ để đánh giá mức độ bạc tóc. Một thang điểm thường được sử dụng là Gray Severity Score. Thang điểm này chia da dầu thành 5 phần: trán, đỉnh, chẩm, thái dương phải, thái dương trái. Trên mỗi vùng lấy 1 đơn vị diện tích là 1cm2, tính tỉ lệ tóc bạc và từ đó đưa ra điểm tổng. Công cụ này chủ yếu được dùng trong các nghiên cứu và đánh giá hiệu quả trước và sau điều trị.

Một số chẩn đoán phân biệt với tóc bạc sớm bao gồm: bạch biến, bạch tạng, rụng tóc mảng… nhưng dễ dàng loại trừ dựa vào vị trí, phân bố tóc bạc, các dấu hiệu khác và tổn thương da kèm theo.

  1. CÁC BỆNH LIÊN QUAN ĐẾN TÓC BẠC SỚM

- Loãng xương: một nghiên cứu báo cáo ở người tóc bạc sớm tỉ lệ loãng xương cao hơn 4 lần so với đối tượng khác. Một nghiên cứu cho thấy người tóc bạc sớm trước 20 tuổi thường có mật độ xương thấp hơn. Cần tầm soát loãng xương cho cả gia đình có người tóc bạc sớm.

- Bệnh mạch vành: Chưa giải thích rõ ràng sự liên quan này nhưng có nhiều báo cáo chứng minh tóc bạc sớm là một yếu tố nguy cơ cho bệnh mạch vành. Một số nghiên cứu cho thấy ở bệnh nhân bệnh mạch vành trẻ tuổi, những người hút thuốc nhiều có tỉ lệ cao xuất hiện tóc bạc sớm. Bởi vậy, một số tác giả đề xuất có nguy cơ lớn bệnh mạch vành ở những người hút thuốc có tóc bạc sớm.

  1. HIỆN TƯỢNG ĐẢO NGƯỢC CỦA TÓC BẠC

Ở tóc bạc, vẫn có sự tồn tại của một vài tế bào melanin. Mặc dù hiện tượng đảo ngược này chưa được giải thích rõ ràng nhưng trên thực tế, các tế bào melanin có thể tái sắc tố ở thượng bì (ví dụ: sau khi bị thương). Có nhiều báo cáo tái sắc tố tóc:

  1. ĐIỀU TRỊ

Các phương pháp điều trị tóc bạc sớm còn nhiều hạn chế và không đặc hiệu.

7.1. Nhổ tóc

Áp dụng cho những trường hợp lượng tóc bạc dưới 10%.

7.2. Thuốc nhuộm tóc

Là phương pháp phổ biến nhất hiện nay. Thuốc nhuộm được phát minh từ thời Ai Cập cổ đại và được ứng dụng càng ngày càng rộng rãi. Có hai loại thuốc nhuộm:

Tuy nhiên thuốc nhuộm có nguy cơ gây ra viêm da tiếp xúc do para-phenylenediamine (PPD) và một số nghiên cứu cho thấy tỉ lệ ung thư nói chung tăng (đặc biệt là ung thư buồng trứng, ung thư não và hệ máu) ở những người dùng thuốc nhuộm tóc thường xuyên.

7.3. Dinh dưỡng

Bổ sung chất dinh dưỡng: vitamin và chất khoáng như bitotin, calci, kẽm, đồng, selenium và chế độ ăn nhiều vitamin và khoáng chất có tác dụng chống oxy hoá có thể làm chậm quá trình tóc bạc.

7.4. Thuốc tái sắc tố tóc

Cho đến nay, chưa có thuốc nào được chứng minh có hiệu quả rõ ràng và được khuyến cáo dùng cho tóc bạc sớm.

PABA (P-aminobenzoic acid)

Nghiên cứu trên 460 người tóc bạc, dùng PABA (P-aminobenzoic acid 100mg 3 lần/ngày, cho thấy hiệu quả ở 82% bệnh nhân sau 2-4 tháng, tuy nhiên dễ tái phát sau 2-4 tuần dừng thuốc.

Calcium pantothenate (Vitamin B5)

Có hiệu quả trong một số nghiên cứu, nhất là khi kết hợp với việc nhổ tóc bạc.

Latanoprost

Có hiệu quả tái sắc tố từ chân tóc và phần gần của tóc.

PUVA

Một nghiên cứu trên 37 bệnh nhân tóc bạc sớm tuổi từ 10-20, sau 13 tháng điều trị bằng PUVA, có 46% trường hợp tái sắc tố tóc hoàn toàn và không tái phát sau 8 tháng theo dõi.

7.5. Thuốc y học cổ truyền

Từ xa xưa, hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum) đã được y học cổ truyền ứng dụng trong cải thiện tình trạng tóc bạc. Nhiều quan sát thực tế cho thấy Hà thủ ô đỏ có hiệu quả giảm và làm chậm quá trình bạc tóc. Các nghiên cứu trên chuột sử dụng hà thủ ô đỏ đường uống và đường bôi cho thấy tái sắc tố tóc thông qua H2O2 làm tăng nồng độ MC1R, alpha-MSH, TYR, melanin. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu về liều dùng và mức độ an toàn của hà thủ ô đỏ, nhất là đối với phụ nữ có thai.

7.6. Hướng nghiên cứu

Một vài nghiên cứu sử dụng tế bào gốc để tăng số lượng tế bào melanin, tái sắc tố ở tóc bạc tuy nhiên chưa có hiệu quả rõ ràng.

Một nghiên cứu ở Nhật Bản, tạo ra mô hình lông bạc ở chuột bằng cách nhổ lông liên tục. Nghiên cứu cho thấy chuột biến đổi gen tăng sản xuất các yếu tố kích thích phát triển tế bào hắc tố như c-Kit hoặc HGF có quá trình bạc lông chậm hơn so với chuột đối chứng.

KẾT LUẬN: Tóc bạc sớm là một tình trạng không hiếm gặp, thường không liên quan đến sức khoẻ chung nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho tóc bạc sớm nhưng có một vài hướng nghiên cứu đầy hứa hẹn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Kiranjeet Kaur PhD, Therapeutics of premature hair graying: A long journey ahead. J Cosmet Dermatol. 2019;00:1-9.
  2. Daranporn Triwongwaranat et al. A review of the etiologies, clinical characteristics, and treatment of canities. International Journal of Dermatology 2019
  3. Kavita Y. Sarin & Steven E. Artandi , Aging, Graying and Loss of Melanocyte Stem Cells. Stem Cell Rev (2007) 3:212-217
  4. Farahnaz Fatemi Naieni et al. Serum Iron, Zinc, and Copper Concentration in Premature Graying of Hair. Biol Trace Elem Res (2012) 146:30-34
  5. Aggarwal A et al. Premature graying of hair: an independent risk marker for coronary artery disease in smokers - a retrospective case control study. Ethiop J Health Sci. Vol. 25, No. 2 April 2015
  6. Deepika Pandhi, Deepshikha Khanna. Premature graying of hair. Indian Journal of Dermatology, Venereology, and Leprology | September-October 2013 | Vol 79 | Issue 5.
  7. Jo SK, Lee JY, Lee Y, Kim CD, Lee JH, Lee YH. Three Streams for the Mechanism of Hair Graying. Ann Dermatol. 2018;30(4):397‐
  8. Ming-Nuan Han et al. Mechanistic Studies on the Use of Polygonum multiflorumfor the Treatment of Hair Graying. Biomed Res Int. 2015; 2015: 651048.
  9. Seong Jin Jo et Hair Graying Pattern Depends on Gender, Onset Age and Smoking Habits. Acta Derm Venereol 92, 2012

Bài viết: BSNT Hồ Phương Thùy

Đăng bài: Phòng CTXH

Link nội dung: https://phamkha.edu.vn/toc-bac-som-la-benh-gi-a25868.html