Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống
Học bài Nói và nghe: Trao đổi về vấn đề mà em quan tâm Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống
I. Dàn ý Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm
1. Dàn ý số 1: Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính,...) a. Mở đầu:- Giới thiệu vấn đề: Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính,...).- Nêu quan điểm của em về vấn đề.b. Nội dung chính: Trình bày suy nghĩ của bản thân về các vấn đề sau:- Thực trạng trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ hiện nay.- Việc trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ đem lại tiêu cực như thế nào?- Việc trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ có những mặt tích cực?- Đề ra một vài biện pháp để trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ một cách hợp lí.c. Kết thúc:- Khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề.- Bài học rút ra cho bản thân.
2. Dàn ý số 2: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.a. Mở đầu:- Giới thiệu vấn đề: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu.- Nêu quan điểm của em về vấn đề.b. Nội dung chính: Trình bày suy nghĩ của bản thân về các vấn đề sau:- Người lớn hiện nay đã thực sự lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của con trẻ hay chưa? Chỉ ra những biểu hiện cho thấy điều đó.- Nếu người lớn không lắng nghe, thấu hiểu thì chuyện gì có thể xảy ra?- Trẻ em muốn người lớn lắng nghe, thấu hiểu như thế nào?- Nếu người lớn chưa lắng nghe, thấu hiểu những nguyện vọng, tâm tư của mình thì trẻ em cần làm gì?c. Kết thúc:- Khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề.- Bài học rút ra cho bản thân.
3. Dàn ý Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm số 3: Trẻ em với việc học tập.a. Mở đầu:- Giới thiệu vấn đề: Trẻ em với việc học tập.- Nêu quan điểm của em về vấn đề.b. Nội dung chính:- Khẳng định tầm quan trọng của việc học tập đối với trẻ em.- Thực trạng: Việc trẻ em học tập hiện nay.- Nêu nguyên nhân và hậu quả (đối với những thực trạng tiêu cực).- Đề ra một vài biện pháp để trẻ em tích cực trong học tập.c. Kết thúc:- Khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề.- Bài học rút ra cho bản thân.
4. Dàn ý số 4: Bạo hành trẻ em (trong gia đình, ngoài xã hội) a. Mở đầu:- Giới thiệu vấn đề: Bạo hành trẻ em.- Nêu quan điểm của em về vấn đề.b. Nội dung chính:- Thực trạng của hiện tượng bạo hành trẻ em trong gia đình và xã hội.- Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và hậu quả của nạn bạo hành trẻ em.- Đề ra một vài biện pháp để bạo hành trẻ em không còn xuất hiện trong gia đình và xã hội.c. Kết thúc:- Khẳng định lại tầm quan trọng của vấn đề.- Bài học rút ra cho bản thân.
II. Bài nói tham khảo Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm
1. Bài nói mẫu số 1: Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính,...)
Xin chào cô và các bạn lớp 7B. Em xin tự giới thiệu, em tên là An. Hôm nay, em sẽ trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính,...). Đây là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn trong xã hội.
Trước hết, chúng ta có thể thấy cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đưa con người đến với cuộc sống hiện đại. Chắc chắn ai trong chúng ta cũng được tiếp xúc với các thiết bị công nghệ như ti vi, điện thoại, máy tính, smartphone,... Chúng ta dễ dàng bắt gặp một đứa trẻ xem video, chơi game trên điện thoại khi ăn. Trong đợt dịch Covid 19, các em học sinh còn bồi dưỡng, học tập thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Các bạn ạ, khoa học công nghệ phát triển giúp cuộc sống con người trở nên tiện lợi hơn. Những thiết bị công nghệ như tivi, điện thoại, máy tính,... luôn tạo ra kích thích, tò mò cho trẻ em và người lớn. Điều này cũng là tiền đề cho khả năng phát triển tư duy, sáng tạo của trẻ trong quá trình học. Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị trên còn giúp trẻ được tiếp cận với nhiều nguồn tri thức khác nhau: các bài giảng trực tuyến, các hoạt động học tập online, các phần mềm học ngoại ngữ,... Có thể nói, đây là những mặt tích cực nhất mà thiết bị điện tử mang lại cho trẻ.
Ngoài những lợi ích , việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại cũng gây ra những tác động tiêu cực đến người dùng. Nếu trẻ em sử dụng các thiết bị này trong thời gian dài thì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tích cách. Khi trẻ dùng các thiết bị này với tần suất cao sẽ dẫn đến tình trạng "nghiện", lúc nào cũng chăm chú với những thứ đó, dẫn đến tình trạng "lười" giao tiếp với mọi người xung quanh. Hiện tượng học theo và bắt chước các nội dung không lành mạnh trên mạng xã hội cũng làm ảnh hưởng đến tư tưởng, cảm nhận của trẻ. Bên cạnh đó, các thiết bị như máy tính, ti vi, điện thoại cũng ảnh hưởng đến sức khỏe khi trẻ chỉ ngồi chơi máy tính, xem video mà không chịu vận động. Việc ngồi im một chỗ và sử dụng các thiết bị còn làm tăng nguy cơ cận thị.
Vậy, chúng ta nên làm thế nào để giúp trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại một cách hợp lí? Đầu tiên, mỗi bậc phụ huynh cần quản lý thời gian trẻ dùng thiết bị điện tử mỗi ngày, ví dụ như một ngày không được quá hai tiếng. Tiếp đó, cha mẹ có thể đưa ra nhiều phương án cho con lựa chọn. Thay vì sử dụng điện thoại, máy tính bảng, trẻ em có thể chơi ghép hình, đọc sách,... Đặc biệt, cha mẹ phải là tấm gương sáng trong việc sử dụng các thiết bị điện tử để con noi theo. Còn học sinh chúng ta phải lưu ý tới việc học, sử dụng điện thoại, tivi chỉ để giải trí khi mệt mỏi. Ngoài ra, trong quá trình tiếp nhận các thông tin, sự kiện trên mạng xã hội, mỗi người phải biết lựa chọn những nội dung đúng đắn và phù hợp với độ tuổi của mình.
Trên đây là bài trình bày của em về Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ (ti vi, điện thoại, máy tính,...).
Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp từ cô và các bạn lớp 7B để bài thuyết trình thêm hoàn thiện hơn nữa. Em xin cảm ơn!
2. Bài nói mẫu Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm số 2: Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu
Lời đầu tiên, em xin gửi lời chào tới cô Trâm và các bạn lớp 7A. Em xin giới thiệu, em tên là Hà. Thưa cô và các bạn, tiết học ngày hôm nay, em xin trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề "Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu". Em tin chắc rằng đây là vấn đề được rất nhiều bậc phụ huynh và học sinh quan tâm theo dõi.
Các bạn ơi, theo các bạn thì ngày nay phụ huynh đã thực sự lắng nghe và thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của chúng mình hay chưa? Theo mình, phụ huynh hiện tại chưa thực sự lắng nghe con cái. Họ luôn phớt lờ những mong ước của chúng ta. Thay vào đó, họ thường bắt ép chúng ta học cái này, làm cái kia. Tất cả việc chúng ta làm đều phải theo ý muốn và kỳ vọng của cha mẹ.
Chính bởi người lớn luôn hành động theo ý mình mà không chịu lắng nghe, thấu hiểu trẻ em nên đã dẫn đến những câu chuyện buồn. Trẻ em chúng ta khi bị cha mẹ phớt lờ ước mơ, mong muốn sẽ dẫn đến ngại giao tiếp, nói chuyện với người lớn về các vấn đề học tập, đời sống. Ngoài ra, điều này còn làm tăng mâu thuẫn trong gia đình, đẩy khoảng cách của con cái và cha mẹ thêm xa.
Vậy, để không khí gia đình lúc nào cũng hòa thuận và chứa chan tình yêu thương thì chúng ta cần làm gì? Trước hết, trẻ em luôn muốn người lớn lắng nghe, thấu hiểu. Nếu người lớn chưa lắng nghe, thấu hiểu những nguyện vọng, tâm tư đó thì trẻ nên tâm sự và cố gắng hết sức để chứng minh cho họ thấy bản thân có thể làm được. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh nên chú tâm lắng nghe những tâm sự của con, đưa ra góp ý hoặc định hướng phù hợp.
Phần trình bày của em đến đây là kết thúc. Em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe.. Mong rằng, mỗi người dù đứng trên cương vị nào cũng sẽ có cái nhìn đúng đắn về vấn đề "Trẻ em với nguyện vọng được người lớn lắng nghe, thấu hiểu".
Nói và nghe: Trao đổi về vấn đề mà em quan tâm Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống
3. Bài nói mẫu Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm số 3: Trẻ em với việc học tập
Xin chào cô và các bạn lớp 7A1. Em tên là Hải. Hôm nay, em xin được trình bày những suy nghĩ của bản thân về vấn đề "Trẻ em với việc học tập". Mong rằng, qua bài thuyết trình này, các bạn sẽ hiểu thêm về tầm quan trọng của học tập.
Các bạn ạ, Lênin đã từng khẳng định việc học tập của con người là hành trình suốt đời và không ngừng nghỉ qua câu nói "Học, học nữa, học mãi". Học tập thường xuyên sẽ giúp mỗi người trau dồi kiến thức và kinh nghiệm. Chăm chỉ tìm tòi, học hỏi giúp mỗi cá nhân tích lũy được vô vàn hiểu biết về cuộc sống, từ đó dễ dàng hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Nhờ có học hành, con người được rèn luyện về đạo đức, phẩm chất và biết cách ứng xử, giao tiếp với những người xung quanh.
Không biết trong số các bạn dưới đây có ai đang trong tình trạng lười biếng và ghét bỏ việc học hay không? Các bạn có thể chia sẻ cho mình và mọi người nghe nguyên nhân là gì được không? Theo mình, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chúng ta chưa nhận ra ý nghĩa của học tập là do bản thân gặp khó khăn trong quá trình tiếp nhận kiến thức. Khi không thể giải quyết được một bài toán khó hay một bài tập làm văn, chúng ta dễ chán nản, thấy việc học không giúp ích được vấn đề gì và chỉ làm mất thời gian. Cứ thế, mọi người trở nên lười biếng rồi từ bỏ học tập mà không trang bị được nhiều bài học bổ ích.
Như mọi người có thế thấy, trẻ em là đối tượng cần phải học tập, mở rộng kiến thức cho bản thân. Nhiều bạn học sinh nhận ra tầm quan trọng của việc học nên luôn chăm chỉ, cố gắng tiếp thu, tích luỹ kiến thức từ nhiều nguồn như sách vở, trường lớp, thầy cô, bạn bè,... Tuy nhiên, hiện nay, một vài bạn lại không chú tâm trong học hành. Các bạn thường lười biếng và ỷ lại vào người khác như chép bài bạn trong giờ kiểm tra, không tự giác học, không chịu suy nghĩ, tìm tòi bài mới. Một vài bạn lại tỏ ra hời hợt, thiếu động lực học tập chỉ vì học theo mong muốn của bố mẹ.
Là học sinh, chúng ta hãy thử tìm cho mình một động lực học tập để kích thích bản thân vươn lên. Ta có thể học tập theo nhóm bạn để tìm ra hứng thú. Bên cạnh đó, mỗi người nên dựa vào sở thích, đam mê của bản thân mà tích lũy các kiến thức liên quan.
Bài trình bày của em về vấn đề Trẻ em với việc học tập đến đây là kết thúc. Em rất mong sẽ nhận được ý kiến đóng góp để bài thuyết trình thêm hoàn thiện hơn.
Từ vấn đề này, em thêm hiểu hơn nữa về tầm quan trọng của việc học đối với bản thân. Không biết các bạn phía dưới thì có suy nghĩ như thế nào? Hãy chia sẻ cho mình và cả lớp nhé!
4. Bài nói mẫu Nói và nghe: Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm số 4: Bạo hành trẻ em (trong gia đình, ngoài xã hội)
Em chào cô và các bạn. Em là Hiền, hôm nay em xin được trình bày bài nói của mình về vấn đề "Bạo hành trẻ em (trong gia đình, ngoài xã hội)". Có thể nói, bạo hành trẻ em đã để lại rất nhiều đau thương cho các nạn nhân. Để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, các bạn hãy lắng nghe và theo dõi bài thuyết trình của mình nhé.
Các bạn ạ, chắc hẳn ai trong mỗi chúng ta cũng từng nghe đến cụm từ "bạo hành trẻ em" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy, theo các bạn, "bạo hành trẻ em" là gì? Theo mình, bạo hành trẻ em là việc dùng những lời nói và hành vi có tính bạo ngược, gây ảnh hưởng trực tiếp tới thể chất và tinh thần của trẻ. Lướt một vòng các trang báo mạng, xem các bản tin sẽ thấy rất nhiều vụ việc bạo hành trẻ em được đăng tải. Trong gia đình, những người làm cha mẹ lại có hành vi bạo lực với con mình. Ngoài xã hội, một vài người dùng trẻ em làm công cụ mưu sinh, bắt các em làm công việc không đúng đắn như cướp giật.
Vậy nguyên nhân của bạo hành trẻ em đến từ đâu? Trước hết, ta có thể thấy trẻ em bị bạo hành bởi chính những người thân trong gia đình. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, những người thân của trẻ bị áp lực tâm lý nên không kiềm chế được cảm xúc bản thân. Hay đó còn là những kẻ xấu dùng trẻ em làm công cụ kiếm lợi. Họ sẵn sàng bạo hành các em khi chúng không kiếm được tiền.
Nhưng dù là nguyên nhân nào đi chăng nữa thì hành vi bạo lực như vậy cần bị xã hội lên án. Các hành vi ấy đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ nhỏ. Về thể chất, một số trẻ em bị đánh đập dẫn đến nguy cơ tổn thương các bộ phận, cơ quan trên cơ thể. Về tinh thần, trẻ dễ bị rối loạn tâm lý, trở nên lo âu, sợ sệt hoặc ngỗ nghịch. Không chỉ vậy, bạo lực còn để lại di chứng, gây nên nỗi ám ảnh theo trẻ đến hết cuộc đời.
Từ những hậu quả trên, chúng ta cần phải nỗ lực loại trừ bạo lực trẻ em ra khỏi xã hội văn minh. Khi nhìn thấy trẻ có nguy cơ bị ngược đãi chúng ta cần báo ngay cho các cơ quan có thẩm quyền. Mỗi người lớn cũng cần ý thức lời nói và hành vi của bản thân. Tất cả hãy cùng nhau chung tay xây dựng một cộng đồng đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.
Trên đây là bài thuyết trình của em về vấn đề "Bạo hành trẻ em (trong gia đình, ngoài xã hội)". Thông qua bài thuyết trình này, mong rằng các bạn sẽ thấy được tầm quan trọng của việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Một lần nữa, em xin cảm ơn cô và các bạn đã lắng nghe. Rất mong sẽ nhận được sự góp ý, bổ sung từ mọi người.
-HẾT-
https://thuthuat.taimienphi.vn/noi-va-nghe-trao-doi-ve-mot-van-de-ma-em-quan-tam-ngu-van-7-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-71503n.aspx Với dạng đề Trao đổi về một vấn đề mà em quan tâm trong chương trình Ngữ văn 7 Kết nối tri thức, em hãy xác định rõ vấn đề bản thân hướng đến là gì. Từ đó, tìm kiếm và chọn lọc những thông tin hữu ích nhất để phát triển bài làm của mình. Đặc biệt, đừng quên đưa thêm những dẫn chứng từ thực tế để bài làm tăng được tính thuyết phục, thu hút sự chú ý của người đọc, người nghe nhé. Mời các em đón xem các bài mẫu khác cùng thuộc chương trình trên Taimienphi.vn như: - Tóm tắt văn bản theo những yêu cầu khác nhau về độ dài Ngữ văn 7 Kết nối tri thức với cuộc sống- Nói và nghe: Trao đổi về vấn đề: Trẻ em và việc sử dụng các thiết bị công nghệ