Mống mắt hay con ngươi, tròng đen là bộ phận quan trọng của mắt, giúp điều hòa ánh sáng. Tương tự như dấu vân tay, mỗi người có màu sắc móng mắt duy nhất, sinh trắc học đặc trưng không thể bị làm giả hoặc nhầm lẫn. Vậy mống mắt có cấu tạo đặc biệt như thế nào? Chức năng và hoạt động ra sao? Có nguy cơ mắc bệnh lý gì? Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, khoa Mắt, BVĐK Tâm Anh TP.HCM sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên trong bài viết dưới đây.
Mống mắt là gì?
Mống mắt (Iris), tròng đen, là phần có màu của mắt. Nó nằm giữa giác mạc và thấu kính. Lỗ tròn ở giữa của mống mắt được gọi là đồng tử. Các cơ rất nhỏ trong mống mắt khiến đồng tử mở to hay co nhỏ để kiểm soát lượng ánh sáng đi vào mắt. Điều này cho phép bạn nhìn rõ trong môi trường ánh sáng sáng hơn và tối hơn (1).
Số lượng hạt màu trong mống mắt quyết định màu sắc của mống mắt (sắc tố). Lượng sắc tố chứa trong mống mắt quyết định màu mắt. Khi có rất ít sắc tố, mắt sẽ có màu xanh lam. Với sắc tố tăng lên, màu trở nên nâu đậm đến đen. Lượng sắc tố thường liên quan đến gen, loại da và màu tóc của một người. Màu sắc của mống mắt là duy nhất đối với bạn, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào trên thế giới có mống mắt y hệt nhau.
Chức năng của mống mắt là gì?
Cùng với đồng tử, mống mắt có chức năng điều chỉnh lượng ánh sáng đi vào mắt. Chức năng này được điều khiển bởi não. Các cơ trong mống mắt điều khiển đồng tử, khi đồng tử giãn ra cho phép nhiều ánh sáng đi vào mắt, khi co lại sẽ hạn chế ánh sáng lọt vào mắt.
Mống mắt co lại hoặc giãn ra, lượng ánh sáng tới phần còn lại của mắt sẽ thay đổi. Sự thay đổi kích thước liên tục này giúp bạn nhìn thấy trong các điều kiện ánh sáng khác nhau. Nếu bạn bước ra ngoài vào một ngày nắng đẹp hoặc vào nhà sau một thời gian phơi nắng, bạn thấy tầm nhìn bị tối lại một lúc mới có thể nhìn thấy rõ, đây là lúc mống mắt điều chỉnh đồng tử để giúp bạn nhìn thấy.
Mống mắt điều khiển đồng tử giúp mắt bạn nhìn rõ. Mống mắt liên tục thay đổi mức độ giãn nở của đồng tử mà bạn không kiểm soát được. Điều này được gọi là phản xạ ánh sáng của đồng tử. Một số người sinh ra đã không có mống mắt ở 1 hoặc cả 2 mắt, đây là tình trạng di truyền aniridia. Nếu không có mống mắt, mắt bạn vẫn hoạt động nhưng tầm nhìn của bạn sẽ bị mờ.
Cấu tạo của mống mắt gồm các bộ phận nào?
Về mặt giải phẫu, mống mắt là phần cơ có màu của mắt bao quanh đồng tử, lỗ nhỏ màu đen ở giữa. Mống mắt nằm ở phía trước thể thủy tinh và phía sau giác mạc. Phía trước và phía sau nó được bao phủ bởi một chất lỏng gọi là thủy dịch. Mắt phải liên tục sản xuất và tiêu hao thủy dịch để duy trì hình dạng, kích thước và áp lực.
Cấu tạo của mống mắt gồm 2 lớp cơ trơn là lớp mạch sợi stroma có chứa sắc tố nằm phía trên, lớp biểu mô chứa sắc tố nằm phía dưới. Các cơ trơn này có hoạt động trái ngược nhau - giãn nở (mở rộng) và co lại (co thắt). Từ đó giúp kiểm soát kích thước của đồng tử, xác định lượng ánh sáng tới được mô cảm giác của võng mạc. Cơ vòng của mống mắt là một cơ tròn có tác dụng co đồng tử dưới ánh sáng mạnh, trong khi cơ giãn của mống mắt sẽ mở rộng lỗ khi cơ vòng co lại.
Giải phẫu học hình dạng và màu sắc của mống mắt
1. Mống mắt ở đâu trong mắt?
Mống mắt bao quanh đồng tử, nằm ở vị trí trung tâm mắt. Nhãn cầu của bạn có nhiều lớp nằm chồng lên nhau, giống như một củ hành tây. Từ ngoài vào trong, mống mắt là một lớp nằm dưới giác mạc và phía trên thấu kính.
2. Hình dạng và màu sắc mống mắt
Mống mắt có hình tròn và phẳng. Màu mắt của bạn phụ thuộc vào lượng melanin mà cơ thể tạo ra và một số gen nhất định. Các gen quyết định màu mắt được di truyền từ ba và mẹ bạn.
3. Mống mắt được làm bằng gì?
Mống mắt được tạo thành từ cơ bắp và dây thần kinh. Các dây thần kinh và cơ trong mống mắt của bạn tự hoạt động (đối giao cảm) để kiểm soát kích thước đồng tử. Mống mắt chứa đầy chất lỏng gọi là thủy dịch. Để duy trì hình dạng, kích thước và áp lực, mắt phải liên tục sản xuất và tiêu thụ thủy dịch.
Rủi ro ảnh hưởng tới chức năng mống mắt
Bất kỳ tình trạng nào ảnh hưởng đến mắt cũng là rủi ro ảnh hưởng đến chức năng của mống mắt, bao gồm:
- Hội chứng Horner
- Bệnh tăng nhãn áp
- Bệnh bạch tạng
- Đục thủy tinh thể
- Viêm mống mắt dị sắc Fuchs
- Hội chứng phân tán sắc tố
- Viêm màng bồ đào
- Hội chứng Waardenburg
Bên cạnh đó, một số chấn thương đặc biệt về não bộ và thị giác có thể làm hỏng mống mắt. Phẫu thuật mắt và tác dụng phục của một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến hoạt động của mống mắt.
Bệnh lý phổ biến của mống mắt
1. Hội chứng Horner
Hội chứng Horner là một tình trạng hiếm gặp với biểu hiện điển hình là một phần mí mắt trên, đồng tử co lại và giảm tiết mồ hôi ở mặt do gián đoạn cung cấp thần kinh giao cảm. Hội chứng này xảy ra khi các dây thần kinh đi từ não đến mắt bị tổn thương hoặc hư hỏng, thường chỉ ảnh hưởng đến 1 bên của mặt (2).
2. Bệnh tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp là một tình trạng mắt phổ biến khi dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương. Nguyên nhân thường là do chất lỏng (thủy dịch) tích tụ ở phần trước của mắt, làm tăng áp lực bên trong mắt. Bệnh tăng nhãn áp có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
3. Chứng loạn sắc tố mống mắt
Trong cùng 1 mắt có 2 màu sắc khác nhau, người ta vẫn thường gọi là tròng đen và tròng trắng. Thông thường, mống mắt ở 2 bên sẽ có màu sắc giống nhau, hội chứng loạn sắc tố mống mắt khiến 1 bên mắt có màu xanh nhạt hoặc nâu sẫm, khác hoàn toàn màu mống mắt còn lại.
4. Đục thủy tinh thể
Trong mắt bạn có một vùng thấu kính trong suốt gọi là thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể chỉ vùng đục xuất hiện trong thủy tinh thể, làm giảm thị lực, đây là tình trạng rất phổ biến ở người già.
Đối với những người bị đục thủy tinh thể, việc nhìn qua thấu kính đục cũng giống như nhìn qua một cửa sổ phủ đầy sương mù. Suy giảm thị lực do đục thủy tinh thể có thể khiến bạn khó đọc, lái xe vào ban đêm hoặc khó nhìn thấy biểu cảm trên khuôn mặt bạn bè. Hầu hết đục thủy tinh thể phát triển chậm và không ảnh hưởng đến thị lực từ sớm. Nhưng theo thời gian, đục thủy tinh thể cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến thị lực.
5. Viêm mống mắt dị sắc Fuchs
Viêm mống mắt dị sắc Fuchs là một dạng viêm màng bồ đào trước mãn tính, tương đối nhẹ liên quan đến đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Khoảng 90% trường hợp là đơn phương và bệnh khởi phát ở thập kỷ thứ ba và thứ tư của cuộc đời. Đàn ông và phụ nữ bị ảnh hưởng với số lượng bằng nhau.
6. Hội chứng phân tán sắc tố
Hội chứng phân tán sắc tố (PDS) là một loại bệnh tăng nhãn áp góc mở phổ biến nhưng ít được chẩn đoán. Nó đặc trưng bởi sự phân tán tự phát của các hạt sắc tố từ biểu mô sắc tố của mống mắt. PDS thường mắc phải ở nam giới bị cận thị, ngoài ra, phân tán sắc tố thứ cấp còn xuất hiện sau chấn thương mắt, khối u ở mống mắt và cọ sát IOL vào bề mặt của mống mắt. Người mắc PDS thường không có triệu chứng và đôi khi có thể bị đau, đỏ, sợ ánh sáng và giảm thị lực.
Khoảng 15% bệnh nhân mắc PDS sẽ chuyển sang tăng nhãn áp thứ phát (PG) sau 15 năm. Các biểu hiện lâm sàn thường gặp của hội chứng phân tán sắc tố bao gồm phù giác mạc, trục Krukenberg, cấu hình mống mắt lõm, khiếm khuyết xuyên sáng mống mắt, sắc tố trên bề mặt thấu kính phía trước có sọc.
7. Viêm màng bồ đào
Viêm màng bồ đào là tình trạng viêm bên trong mắt của bạn. Viêm thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn đang chống lại nhiễm trùng mắt hoặc hệ thống miễn dịch của bạn tấn công các mô khỏe mạnh trong mắt. Viêm màng bồ đào gây ra các vấn đề như đau, đỏ và giảm thị lực, làm tổn thương lớp giữa của mắt giữa củng mạc (phần trắng của mắt) và võng mạc (lớp nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau mắt) hay còn gọi là uvea của mắt, ảnh hưởng đến các phần khác của mắt.
Viêm màng bồ đào có thể biến mất nhanh chóng, nhưng cũng dễ tái phát hoặc tiến triển thành mãn tính. Bệnh gây ảnh hưởng đến 1 bên hoặc cả 2 mắt, làm giảm thị lực nếu không được điều trị kịp thời.
8. Hội chứng Waardenburg
Hội chứng Waardenburg là nhóm các bệnh di truyền trong gia đình. Hội chứng liên quan đến điếc và màu da, tóc, mắt nhợt nhạt. Hội chứng này được di truyền như một đặc điểm trội trên nhiễm sắc thể thường. Cha hoặc mẹ có thể truyền gen mắc bệnh này cho những đứa con.
Hội chứng Waardenburg chia làm 4 loại chính. Phổ biến nhất là loại I và loại II. Loại III (hội chứng Klein-Waardenburg) và loại IV (hội chứng Waardenburg-Shah) ít phổ biến hơn. Tùy vào những khiếm khuyết ở các gen khác nhau, hầu hết những người mắc bệnh này đều có cha mẹ mắc bệnh, nhưng các triệu chứng ở cha mẹ có thể khá khác với triệu chứng ở con.
Dấu hiệu tình trạng mống mắt cần gặp bác sĩ
1. Mờ mắt
Mờ mắt là một trong các triệu chứng đầu tiên của viêm mống mắt. Khi bạn có cảm giác mắt bị mờ, khi nhìn như có màn sương trước mặt, sợ ánh sáng, kèm theo các triệu chứng như đau âm ỉ, hay chảy nước mắt, đỏ mắt. Có thể đến gặp bác sĩ nhãn khoa để khám và chẩn đoán tình trạng mắt hiện tại.
2. Tầm nhìn đôi
Tầm nhìn đôi hay song thị xảy ra khi bạn che 1 mắt và nhìn vào 1 vật, bạn nhìn thấy 2 ảnh, hình ảnh thứ hai thường xuất hiện mờ ảo. Nguyên nhân thường chỉ giới hạn ở mắt và ít có khả năng liên quan đến thần kinh.
Song thị hai mắt xảy ra khi bạn nhìn thấy một vật có 2 ảnh dù đang nhìn bằng 2 mắt. Nguyên nhân song thị 2 mắt có thể liên quan đến thần kinh hoặc nguyên nhân khác. Đôi khi nhìn đôi có thể nhầm lẫn với tình trạng mắt lác. Những lần khác, tình trạng này phát sinh từ một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, đôi khi có liên quan đến các vấn đề về mống mắt.
3. Đau mắt kéo dài
Đau mắt dữ dội hoặc dai dẳng có thể chỉ ra tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như viêm màng bồ đào, viêm củng mạc hoặc bệnh tăng nhãn áp góc đóng, ảnh hưởng trực tiếp đến mống mắt. Nếu bị đau mắt kéo dài liên tục trong vài giờ, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được khám và điều trị khắc phục nhanh triệu chứng này.
4. Nhạy cảm với ánh sáng
Nhạy cảm với ánh sáng (sợ ánh sáng) là tình trạng không dung nạp ánh sáng gây khó chịu hoặc đau đớn. Bất kỳ nguồn sáng chói nào, chẳng hạn như ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng nhân tạo, đều có thể gây khó chịu. Nhạy cảm với ánh sáng có thể là triệu chứng của một số bệnh về mắt hoặc do chứng đau nửa đầu hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm màng não. Ngoài ra, nhạy cảm với ánh sáng có thể là triệu chứng của: Viêm bờ mi, đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp, viêm giác mạc Keratoconus, cắt giác mạc khúc xạ, viêm võng mạc, viêm màng bồ đào,…
5. Suy giảm tầm nhìn
Suy giảm tầm nhìn hay suy giảm thị lực có thể dẫn đến mù lòa. Những người không thể điều chỉnh thị lực bằng kính thông thường, kính áp tròng, thuốc hoặc phẫu thuật sẽ bị suy giảm thị lực. Suy giảm tầm nhìn rất có thể là triệu chứng của viêm mống mắt, đi kèm các triệu chứng khác như đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng, nhức đầu. Nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như mất thị lực nghiêm trọng và thậm chí mù lòa. Nhiễm trùng, chấn thương và bệnh tự miễn là những nguyên nhân chính gây viêm mống mắt.
Biến chứng rủi ro khi mống mắt bị ảnh hưởng
Những chất thương ở mống mắt có thể biểu hiện với các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào mức độ tổn thương, vị trí tổn thương và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Biểu hiện có thể là đồng tử giãn, đồng tử phản ứng chậm do tổn thương cơ vòng. Rễ mống mắt cũng có thể bị tổn thương, dẫn đến phải chạy thận nhân tạo. Đối với viêm mống mắt, đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm làm mất thị lực vĩnh viễn hoặc mù lòa.
Chẩn đoán và khám mống mắt
Chẩn đoán và khám mống mắt có thể sử dụng các phương pháp chẩn đoán mắt như khám tổng thể. Trong trường hợp bác sĩ cần xác định xem mống mắt của bạn đang gặp vấn đề thì cần chẩn đoán hình ảnh:
- MRI
- Chụp CT
- Siêu âm
- Chụp cắt lớp mạch lạc quang học (OCT)
- Quy trình thực hiện đèn khe
Điều trị các bệnh liên quan tới mống mắt thế nào?
Tùy vào từng loại bệnh có liên quan tới mống mắt, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau, như:
- Hội chứng Horner: Bệnh này có thể là kết quả của một vấn đề sức khỏe khác như đột quỵ, khối u hoặc chấn thương tủy sống. Trong một số trường hợp, không thể tìm thấy nguyên nhân cơ bản. Không có cách điều trị cụ thể cho hội chứng Horner, nhưng việc điều trị nguyên nhân cơ bản có thể khôi phục chức năng thần kinh
- Bệnh tăng nhãn áp: Các bác sĩ sử dụng nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh tăng nhãn áp, bao gồm thuốc (thường là thuốc nhỏ mắt), điều trị bằng laser và phẫu thuật
- Chứng loạn sắc tố mống mắt: Bác sĩ sẽ phân biệt nguyên nhân gây loạn sắc tố mống mắt do thuốc và nốt ruồi mống mắt với u ác tính màng bồ đào giai đoạn đầu, sau đó có phương án điều trị phù hợp
- Đục thủy tinh thể: Phẫu thuật đục thủy tinh thể là cách duy nhất để loại bỏ đục thủy tinh thể và khôi phục lại thị lực của mắt. Trong quá trình phẫu thuật đục thủy tinh thể, bác sĩ nhãn khoa sẽ loại bỏ thấu kính tự nhiên bị đục và thay thế bằng thấu kính nội nhãn (IOL). IOL là một thấu kính nhân tạo tồn tại vĩnh viễn trong mắt bạn
- Viêm mống mắt dị sắc Fuchs: Viêm mống mắt dị sắc Fuchs thường là mãn tính, mặc dù điều trị bằng corticosteroid tại chỗ có thể làm giảm các dấu hiệu viêm lâm sàng, nhưng điều trị tại chỗ lâu dài thường kéo theo dụng phụ là đẩy nhanh quá trình hình thành đục thủy tinh thể và gây ra bệnh tăng nhãn áp
- Hội chứng phân tán sắc tố: Được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, dùng thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp, phẫu thuật cắt mống mắt bằng laser, tạo hình mống mắt và phẫu thuật lọc
- Viêm màng bồ đào: Đầu tiên, bác sĩ có thể kê toa thuốc nhỏ mắt có chứa thuốc chống viêm như corticosteroid. Thuốc nhỏ mắt thường không đủ để điều trị tình trạng viêm ngoài phần trước của mắt, do đó có thể cần phải tiêm corticosteroid vào trong hoặc xung quanh mắt hoặc bổ sung corticosteroid đường uống khi cần thiết
Quan trọng hơn hết, bạn cần được chẩn đoán nguyên nhân gây các bệnh về mống mắt và được chỉ định điều trị, chăm sóc để sức khỏe mắt phục hồi nhanh chóng.
Chăm sóc mống mắt như thế nào?
- Đeo kính râm có khả năng chống tia cực tím 100% hoặc có nhãn UV400 bất cứ khi nào bạn ra nắng, bảo vệ mắt khỏi tác động tiêu cực từ ánh nắng mặt trời (3)
- Đến gặp bác sĩ nhãn khoa nếu có bất kỳ thay đổi nào về tầm nhìn như mắt mờ, song nhị,…
- Nếu bạn đeo kính hoặc kính áp tròng, hãy khám mắt thường xuyên để bác sĩ có thể điều chỉnh độ của kính đeo thường xuyên
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất, bổ sung nhiều trái cây và rau quả, đặc biệt là các loại rau lá xanh và vàng đậm. Các loại cá có nhiều axit béo omega-3, chẳng hạn như cá hồi, cá ngừ và cá bơn
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh, vì thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Mắc bệnh tiểu đường khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường hoặc bệnh tăng nhãn áp cao hơn
- Tập thể dục có thể giúp ngăn ngừa hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường, huyết áp cao và cholesterol cao. Những bệnh này có thể dẫn đến một số vấn đề về mắt hoặc thị lực. Vì vậy, nếu tập thể dục thường xuyên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc các vấn đề về mắt và thị lực
- Bỏ thuốc lá vì thuốc lá làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh về mắt liên quan đến tuổi tác như thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể và có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác
- Một số bệnh về mắt có tính chất di truyền, vì vậy bạn nên tìm hiểu xem có ai trong gia đình bạn từng mắc bệnh về mắt, bao gồm các vấn đề mống mắt. Điều này có thể giúp bạn xác định xem mình có nguy cơ mắc bệnh về mắt hay không
- Cho mắt nghỉ ngơi khi làm việc liên tục, cứ sau 20 phút, hãy nhìn ra xa phía trước khoảng 20m trong 20 giây
Mống mắt giống như một dấu vân tay có màu sắc duy nhất dành riêng cho bạn. Mống mắt đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe thị giác. Khám mắt định kỳ như một phần trong quá trình bảo trì sức khỏe tổng thể. Nếu có bất kỳ bất thường nào về tầm nhìn, sức khỏe mắt hãy đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín, gặp bác sĩ nhãn khoa để được khám và điều trị các vấn đề có liên quan đến thị lực càng sớm càng tốt.
Trung tâm Mắt, BVĐK Tâm Anh là địa chỉ khám và điều trị các vấn đề về mắt uy tín, với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, trang thiết bị hiện đại và dịch vụ khám chữa bệnh chuẩn 5 sao. Tại đây bạn sẽ được các bác sĩ tận tình khám và tư vấn những phương án điều trị tối ưu, giúp bạn luôn có đôi mắt khỏe, thị lực tốt.
Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích về mống mắt, cấu tạo, chức năng, hoạt động và các bệnh lý liên quan đến mống mắt. Bảo vệ sức khỏe thị lực tốt là biện pháp hữu ích giúp bạn có được đôi mắt khỏe, tầm nhìn rõ, hữu hiệu nhất.